Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế

.

Trung Quốc đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về bằng sáng chế, đóng góp gần một nửa tổng số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế trong năm 2022.

Đóng góp đáng kể của Trung Quốc

Theo Tân Hoa xã, báo cáo của Hiệp hội các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu của Đức (VFA) cho biết, tổng cộng có 3,4 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế được phê duyệt toàn thế giới vào năm 2022, đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với con số 635.000 vào năm 1980, trong đó chỉ có 44 đơn đăng ký đến từ Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc đóng góp phần lớn trong sự gia tăng gấp hơn 5 lần tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế trong 40 năm qua. Nhà kinh tế trưởng Claus Michelsen của VFA đánh giá, Trung Quốc đang nổi lên như trung tâm kinh doanh và đổi mới nhanh chóng. Sự phát triển khoa học của Trung Quốc và hoạt động cấp bằng sáng chế theo sau đó là “chưa từng có trong lịch sử kinh tế gần đây”.

Theo VFA, kể từ đầu thiên niên kỷ này, Trung Quốc xây dựng hệ thống khoa học và đổi mới, thể hiện qua sự gia tăng đáng kể số lượng sinh viên cao đẳng hoặc đại học trong nước. Nếu ở thời điểm năm 2000, số sinh viên cao đẳng hoặc đại học tại nước này là 7 triệu người thì đến năm 2022 tăng lên hơn 35 triệu người. Hầu hết các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc từ năm 2018 đến 2022 đều dành cho máy tính, cảm biến và máy điện cũng như công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, nước này cũng thể hiện tham vọng ngày càng tăng trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ sinh học thông qua các đơn xin cấp bằng sáng chế.

VFA cho biết, vào năm 2022, 1,5 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế đã được nộp từ 27 quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, tương đương khoảng 44% tổng số. Châu Âu vẫn đang thống trị lĩnh vực ô-tô và công nghệ y tế. VFA kêu gọi châu lục này đầu tư một cách chiến lược, đặc biệt vào các ngành công nghiệp công nghệ cao quan trọng.

Biến đổi mới thành động lực tăng trưởng

Theo China Daily, đổi mới là động lực chính thúc đẩy sự phát triển toàn cầu và giải quyết các vấn đề phức tạp. Ngày nay, thế giới cần sự đổi mới và hợp tác hơn bao giờ hết để đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, tranh chấp thương mại và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trung Quốc là động lực tăng trưởng toàn cầu lớn nhất trong nhiều năm và dự kiến đóng góp hơn 1/4 tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Từ năm 2018 đến 2023, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc tăng gần 70%, tạo ra tác động toàn cầu bằng cách liên tục cải tiến các công nghệ tiên tiến. Theo Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, 24 cụm khoa học và công nghệ của Trung Quốc lọt vào danh sách 100 cụm khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, cao nhất trong số các quốc gia.

Ngoài ra, Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các ngành công nghiệp. Là quốc gia dẫn đầu về công nghệ năng lượng mới, Trung Quốc nhờ chú trọng đổi mới đã cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm chi phí năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu và phát triển bền vững.

Năm 2023, công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt tăng thêm 510 kilowatt toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng góp hơn một nửa. Các tuabin gió và tấm quang điện mặt trời do nước này sản xuất được xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia và khu vực. Trung Quốc cũng đang hợp tác với hơn 100 nền kinh tế về các dự án năng lượng xanh. Xe điện do Trung Quốc sản xuất không chỉ được bán ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Ngoài ra, cường quốc kinh tế thế giới này đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp khoáng sản và vật liệu không thể thiếu cho công nghệ năng lượng tái tạo. Những yếu tố này càng củng cố vị thế của Trung Quốc với tư cách là nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy thế giới hướng tới tương lai năng lượng bền vững và tái tạo.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.