Ấn Độ - Malaysia nâng tầm quan hệ hợp tác

.

Ấn Độ và Malaysia nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa, đánh dấu mối quan hệ nồng ấm trở lại sau nhiều năm lạnh nhạt.

Thủ tướng Narendra Modi (bên phải) và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim trong cuộc họp ở New Delhi ngày 20-8. Ảnh: AP
Thủ tướng Narendra Modi (bên phải) và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim trong cuộc họp ở New Delhi ngày 20-8. Ảnh: AP

Theo China Daily, sự kiện trên được thông qua tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim ngày 20-8 tại New Delhi. Sự hiện diện của ông Ibrahim tại Ấn Độ từ ngày 18 đến 21-8 đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Malaysia đến Ấn Độ kể từ năm 2018, với kỳ vọng củng cố quan hệ song phương với Ấn Độ, nền kinh tế dẫn đầu của khu vực Nam bán cầu. Theo The Hindu, ông Ibrahim cho biết, hai nước có nhiều tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác với nhiều điểm tương đồng. Malaysia là nơi sinh sống của gần 3 triệu người gốc Ấn Độ.

China Daily dẫn lời quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nước này sẽ xuất khẩu 200.000 tấn gạo (không phải gạo basmati) sang Malaysia. Đây là thông tin tích cực đối với Malaysia, một trong những quốc gia từng bị ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ do phụ thuộc nhiều vào mặt hàng này của quốc gia khu vực Nam Á. Bên cạnh đó, hai nước cũng nhất trí về khuôn khổ phúc lợi cho người lao động Ấn Độ đến làm việc tại Malaysia. Hiện có khoảng 140.000 lao động Ấn Độ tại Malaysia, con số cao nhất từ ​​trước đến nay và có thể tăng lên trong thời gian tới.

Theo Nikkei Asia, thông qua chuyến thăm, ông Ibrahim cũng tranh thủ cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ sau khi Malaysia nộp đơn xin gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Fikry A. Rahman, người đứng đầu bộ phận đối ngoại tại Viện nghiên cứu Bait Al-Amanah (Malaysia), nhận định, đơn xin gia nhập BRICS nêu bật chiến lược đa dạng hóa đa cực của Malaysia bằng cách thu hút nhiều đối tác có cùng chí hướng hơn và đa dạng hóa quan hệ đối tác, hướng tới mục tiêu phi USD hóa quan hệ thương mại, có lợi về mặt chiến lược cho đất nước.

Đáng chú ý, Malaysia, quốc gia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ và các đối tác đối thoại khác để bảo đảm rằng ASEAN vẫn đi đầu trong hội nhập khu vực và tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Theo Bernama, trong bài phát biểu có tựa đề “Hướng tới một Nam bán cầu đang trỗi dậy: Tận dụng mối quan hệ Malaysia - Ấn Độ” tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ ở New Delhi ngày 20-8, Thủ tướng Ibrahim kỳ vọng Ấn Độ với tư cách là một trong những đối tác lâu năm của ASEAN sẽ đóng vai trò then chốt vì quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác an ninh và giao lưu văn hóa trên khắp khu vực. Ông Ibrahim đặc biệt ca ngợi cách tiếp cận đa phương, độc đáo và phân chia ưu tiên và thách thức một cách khéo léo và thành thạo của Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang diễn biến khó lường. 

Malaysia sẽ không chỉ tập trung vào việc củng cố các cơ chế và thể chế ASEAN hiện có và phù hợp với mục đích, mà còn tìm ra sự tương tác với các khuôn khổ khác có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của khu vực. Ngoài ra, Malaysia cũng có kế hoạch tăng cường sự tham gia giữa ASEAN và Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kỹ thuật và kinh tế đa ngành (BIMSTEC), dự kiến không chỉ kết nối các khu vực mà còn tập trung giải quyết những thách thức vốn bắt nguồn từ địa lý, nhân khẩu học và tài nguyên độc đáo của các khu vực.

Trong khi đó, việc hàn gắn quan hệ với Malaysia cũng phản ánh một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi về tăng cường thương mại và quan hệ với các quốc gia châu Á khác để tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực. Việc tiếp đón nhà lãnh đạo Malaysia là một trong 3 hoạt động ngoại giao lớn chỉ trong 5 ngày ở Ấn Độ, bên cạnh đối thoại 2+2 với Nhật Bản và chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Modi.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.