Trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến toàn diện tại “chảo lửa” Trung Đông sau vụ thủ lĩnh của Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị ám sát tại Iran, dư luận quốc tế, đặc biệt các nước trong khu vực, đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kép vừa thảo luận giải pháp xoa dịu tình hình vừa kêu gọi các bên liên quan dừng trả đũa lẫn nhau.
Ngày 1-8, người dân Iran tham dự lễ tưởng niệm thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh, người bị ám sát tại Tehran. Ảnh: WANA/Reuters |
Các vụ ám sát nói trên tiếp tục phủ bóng đen đáng ngại lên nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn, trao trả con tin ở Gaza, cũng như dập tắt mọi hy vọng còn lại về giảm leo thang xung đột giữa Israel và các đối thủ trong khu vực. Giờ đây, thông tin xoay quanh vụ ám sát ông Haniyeh không chỉ chiếm sóng hàng loạt hãng truyền thông quốc tế mà còn trở thành vấn đề nóng hổi trên bàn thảo luận, càng cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, nhất là trong lúc xung đột ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi đến nay gần 40.000 người ở “địa ngục trần gian” này thiệt mạng .
Ngày 31-7, Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, các nhà ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành các cuộc họp khẩn khắp Trung Đông sau khi thủ lĩnh của Hamas thiệt mạng nhằm ngăn chặn mối đe dọa xảy ra chiến tranh toàn diện trong khu vực. Các bên đang tính toán giải pháp nhằm thuyết phục Iran không trả đũa Israel hay thực hiện những hành động mang tính biểu tượng.
CNN dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ, nước này vẫn tin tưởng về một kịch bản khả thi, theo đó Hamas và Israel cần đạt thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt hơn 9 tháng xung đột tại dải Gaza, dù các nỗ lực này bị ảnh hưởng đáng kể trước những diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi tất cả các bên không thực hiện hành động leo thang sau vụ ám sát ông Haniyeh. “Ngay bây giờ, khu vực này đang trên bờ vực xung đột nhiều hơn, bạo lực nhiều hơn, bất ổn hơn. Điều quan trọng là phải phá vỡ chu kỳ này. Điều đó bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn ở Gaza và để đạt được điều đó, tất cả các bên phải ngừng bất kỳ hành động leo thang nào”, ông Blinken cho biết. Theo ông, chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới tạo ra sự bình yên ở khu vực biên giới Israel - Lebanon. Cùng ngày, theo đề nghị của Iran và được Nga, Trung Quốc, Algeria ủng hộ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình leo thang căng thẳng nguy hiểm ở Trung Đông.
Cùng hòa vào cuộc chạy đua tháo ngòi nổ xung đột còn có sự tham gia tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là nước láng giềng Ai Cập. Theo Reuters, ngày 31-7, giới chức Ai Cập điện đàm và hội đàm với các nhà lãnh đạo của Jordan và Qatar để thảo luận các nỗ lực chung nhằm chấm dứt xung đột ở dải Gaza.
Hiện, nhiều nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran, Qatar, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, đồng thời cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây bất ổn nghiêm trọng hơn. Đến nay, vẫn chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ ám sát chấn động này nhưng mọi sự nghi ngờ nhanh chóng đổ dồn về Israel, quốc gia từng tuyên bố sẽ xóa bỏ hoàn toàn Hamas vì cuộc tấn công của nhóm này vào Israel vào ngày 7-10-2023 vốn châm ngòi xung đột ở dải Gaza. Mối nghi ngại này ngày càng gia tăng khi theo CNN, ngày 1-8, Israel bất ngờ tuyên bố đã tiêu diệt Mohammed Deif, người đứng đầu lực lượng quân sự Hamas trong cuộc không kích tháng 7-2024 ở Gaza. Israel cho rằng, Deif là một trong những kẻ chủ mưu đằng sau các cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7-10-2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt cóc làm con tin.
Về vụ ông Haniyeh bị ám sát, Israel vẫn không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan. Ngày 31-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đã giáng “những đòn chí mạng” vào đối phương, và sẽ tiếp tục chiến đấu; đồng thời cũng cảnh báo người dân Israel chuẩn bị cho những ngày đầy thách thức sắp tới. “Israel sẽ đòi một cái giá đắt cho bất kỳ hành động chống lại chúng tôi trên bất kỳ mặt trận nào”, CNN dẫn lời ông Netanyahu.
Ở chiều ngược lại, ngày 31-1, theo AP, Hamas thông báo về cái chết của ông Haniyeh, người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào này, do cuộc tấn công của Israel vào nơi ở của ông ở Tehran (Iran). Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ trả thù cho cái chết của ông Haniyeh và thậm chí đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel, theo nguồn tin của New York Times. Iran cũng cho rằng, vụ ám sát Haniyeh không thể xảy ra nếu không có sự cho phép của Mỹ.
Sau cái chết của thủ lĩnh chính trị cấp cao Haniyeh của Hamas, nhiều người bắt đầu tìm kiếm và tò mò về những gương mặt sáng giá kế nhiệm ông. Theo Reuters, ông Khaled Meshaal, cựu lãnh đạo chính trị của Hamas, được dự đoán trở thủ lĩnh mới của Hamas.
Các nước kêu gọi công dân rời Lebanon Hiện, các nước kêu gọi công dân rời Lebanon do lo ngại bạo lực leo thang giữa Israel và Hezbollah. Theo AP, ngày 31-7, Bộ Ngoại giao Mỹ nâng mức khuyến cáo du lịch tới Lebanon lên cấp độ 4 là không nên đi du lịch. Khuyến cáo cho biết cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa giữa Israel và Hezbollah. Thụy Sĩ cũng có động thái tương tự, lưu ý đến tình hình cực kỳ bất ổn ở quốc gia này. Cùng ngày, Úc yêu cầu công dân của mình rời Lebanon ngay lập tức, nhấn mạnh nguy cơ căng thẳng giữa Israel và Hezbollah có thể leo thang nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Canada cũng ra thông báo tương tự khi kêu gọi công dân của mình rời Lebanon hoặc tránh đi tới đó. |
THƯ LÊ