Kỳ tích của đàm phán ngoại giao

.

Trong sự kiện ngoại giao quan trọng mang tính lịch sử, ngày 1-8, Mỹ, Nga, Đức và các quốc gia khác thực hiện cuộc trao đổi tù nhân đặc biệt, lớn nhất kể từ thời chiến tranh Lạnh.

Một máy bay của Nga chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để tiến hành cuộc trao đổi tù nhân ngày 1-8. Ảnh: AFP
Một máy bay của Nga chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để tiến hành cuộc trao đổi tù nhân ngày 1-8. Ảnh: AFP

Cuộc trao đổi có liên quan đến 24 cá nhân giữa 7 quốc gia cho thấy tính chất “chưa từng có”, bởi thông thường, các đàm phán như vậy thường là song phương và liên quan tới một nhóm nhỏ các cá nhân. Theo đó, sự kiện phản ánh những động lực địa chính trị rộng lớn hơn và mở ra tiềm năng cho các cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng khác trong tương lai.

Nỗ lực ngoại giao

Theo CNN và AP, cuộc trao đổi tù nhân diễn ra tại một sân bay ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong số các tù nhân được trao đổi, có các công dân Mỹ vốn được truyền thông nước này đặc biệt quan tâm là phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal và cựu binh thủy quân lục chiến Paul Whelan. Cả hai người này đều đã bị kết án tù ở Nga vì tội làm gián điệp. Trong đó, ông Gershkovich bị bắt vào tháng 3-2023 và bị tuyên án 16 năm tù, ông Whelan bị bắt vào tháng 12-2018 cũng bị kết án 16 năm tù. Việc thả họ là một phần của thỏa thuận lớn hơn, bao gồm việc đưa 16 tù nhân chính trị bị giam ở Nga sang Đức, và đưa 8 công dân Nga trở về nước, trong đó có ông Vadim Krasikov, người từng bị kết án chung thân ở Đức.

Các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc trao đổi tù nhân này kéo dài nhiều tháng, rất phức tạp và có sự tham gia của các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Theo ABC, thỏa thuận này được giữ bí mật cho đến phút chót, cho thấy rõ hơn tính chất nhạy cảm của ngoại giao quốc tế liên quan tới sự việc. Trong những lần xuất hiện trước công chúng gần đây, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ tại nước ngoài.

Al Jazeera lưu ý vai trò của Đức trong các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân lịch sử này là đặc biệt đáng chú ý. Chính phủ Đức phải đối mặt với những quyết định khó khăn liên quan đến việc thả tù nhân Nga. Dù vậy rốt cuộc thì các quan chức Đức cũng thừa nhận việc trao đổi này là cần thiết để bảo đảm quyền tự do cho các cá nhân đang bị giam giữ tại nước ngoài.

Theo giới quan sát, sự kiện trao đổi tù nhân lịch sử này được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính. Trước tiên, nó nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Nga, tạo bầu không khí thuận lợi hơn cho các đàm phán trong tương lai về những vấn đề gây tranh cãi như kiểm soát vũ khí. Sự kiện này rõ ràng cũng sẽ làm tăng uy tín cho cả Moscow lẫn Washington. Ngoài ra, sự hợp tác của các quốc gia châu Âu trong việc thả công dân Nga cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đàm phán. Thời điểm diễn ra cuộc trao đổi tù nhân cũng mang tính chiến lược với Washington khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2024.

Kỳ vọng tan băng

Straits Times dẫn lời nhà phân tích Lukas Aubin tại Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế Pháp (IRIS) nhận định thỏa thuận trao đổi tù nhân này cho thấy Washington và Moscow vẫn giữ kênh liên lạc mở, tương tự thời chiến tranh Lạnh. Bà Liana Fix thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định, cuộc trao đổi tù binh là nỗ lực của Nga để chứng minh rằng quốc gia khác có thể thực hiện thỏa thuận với Moskva một cách thiện chí. Theo Al Jazeera, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi cuộc trao đổi là “kỳ tích của ngoại giao và tình hữu nghị”; đồng thời đánh giá cao các đồng minh của Washington vì những quyết định táo bạo và dũng cảm của họ.

Mặc dù dự đoán về tác động liên quan cuộc trao đổi tù nhân vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu, song giới quan sát kỳ vọng từ việc có thể hiện thực hóa thành công cuộc trao đổi tù nhân mang tính lịch sử như vậy giữa các cường quốc vốn đang trong trạng thái xung đột cực điểm, có thể báo hiệu sự tan băng tiềm tàng trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Bởi lẽ, dù Mỹ và Nga vẫn là đối thủ của nhau trên nhiều mặt trận, khả năng đàm phán thả tù nhân chứng tỏ rằng đối thoại vẫn có thể diễn ra, ngay cả khi có những bất đồng đáng kể. Conversation cho rằng, sự kiện này sẽ giúp mở đường cho các đàm phán trong tương lai về những vấn đề gây tranh cãi khác như kiểm soát vũ khí, an ninh mạng và xung đột khu vực.

Rõ ràng, cuộc trao đổi này đáng chú ý không chỉ ở tầm mức quy mô, mà còn về thời điểm khi nó diễn ra trong bối cảnh vẫn còn những căng thẳng dai dẳng lâu nay giữa Mỹ và Nga. Thỏa thuận này như lời nhắc nhở về sự cân bằng mong manh trong quan hệ quốc tế và tiềm năng ngoại giao để giải quyết các vấn đề phức tạp ngay ở những thời điểm nhiều thử thách nhất.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.