Nhật Bản tăng tầm ảnh hưởng ở Trung Á

.

Do vị trí địa lý và địa chính trị độc đáo, Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan luôn là nơi cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa các cường quốc. Đồng thời các khu vực này còn có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các tài nguyên khác. Thực tế, tất cả các cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ và gần đây là Liên minh châu Âu (EU) đều hoạt động ở khu vực này. 

Trong bối cảnh các quốc gia Trung Á theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập và đa chiều, Nhật Bản đã tranh thủ tìm cách tiếp cận khu vực này. Bình luận viên cao cấp Iwata Akiko của NHK cho rằng, 5 nước khu vực Trung Á nằm ở trung tâm lục địa Á-Âu, giữa Trung Quốc và Nga, có chung biên giới với Afghanistan và Iran, nên có vị trí địa lý rất quan trọng.

Thực tế, từ tháng 8-2004 liên kết giữa Nhật Bản với Trung Á định hình, đối thoại và hợp tác được xúc tiến khi các Ngoại trưởng của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan tổ chức hội nghị cấp cao đa phương với Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó. Hội nghị Astana với tên gọi “Khuôn khổ hợp tác Trung Á và Nhật Bản” cam kết bắt chặt tay hơn nữa giữa Nhật Bản và các nước Trung Á về chống khủng bố, phát triển kinh tế và an ninh nhân lực. Năm 2006, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Koizumi thăm một số nước Trung Á. Năm 2010, Nhật Bản và các nước vùng Trung Á nhất trí thúc đẩy hợp tác và tạo dựng môi trường tốt hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như hợp tác chống nạn khủng bố trong khu vực.

Đáng chú ý, tháng 10-2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm Trung Á với những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ USD. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đến cả 5 quốc gia khu vực cho thấy Tokyo đang có xu hướng nghiêng về Trung Á để trở thành một người chơi mới tại nơi giàu năng lượng và các tài nguyên khác này. Đối với Nhật Bản, đây là sự hiện diện quan trọng không chỉ mang tầm kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị nhất định ở Trung Á, khu vực vốn đã và đang trở thành đấu trường của sự đối đầu xung đột lợi ích giữa các cường quốc.

Điểm mấu chốt để Nhật Bản duy trì và củng cố mối quan hệ với 5 nước Trung Á là hai bên nhất trí duy trì nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đặc biệt, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Tokyo tháng 11-2023, Ngoại trưởng của 5 nước Trung Á là đối tác của Nhật Bản được nước chủ nhà mời dự để cùng thảo luận các cuộc xung đột ở dải Gaza, ở Ukraine, và tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để cho các cường quốc khác của G7 như Anh, Pháp, Ý tiếp cận để tìm kiếm sự hợp tác.

Sắp tới, Ngoại trưởng Nhật Bản và 5 nước Trung Á sẽ tiếp tục gặp nhau trong “cơ chế đối thoại” để tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác, cũng như thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực và thế giới. The Diplomat nhận định, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Á đang ngày càng thắt chặt, từ tuyên bố về sự cần thiết hợp tác với Uzbekistan tới việc tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên ở Turkmenistan hay dự án xây dựng cảng biển nước ấm Caspian trị giá 2 tỷ USD…

Những động thái mở rộng ngoại giao, đầu tư, hợp tác kinh tế cho thấy xứ sở mặt trời mọc muốn đa dạng hóa lợi ích về kinh tế của mình ở khu vực này và gia tăng tầm ảnh hưởng để đối trọng với Trung Quốc và tiếp cận sân sau của Nga. Ngoài ra, điều này còn phát tín hiệu quan trọng cho Nga-Trung rằng Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc hay Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu, cùng với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), không thể độc quyền tiếp cận và ảnh hưởng ở Trung Á. Bước đi của Nhật Bản cũng chứng minh nước này không đứng ngoài cuộc cạnh tranh của các cường quốc để gia tăng tầm ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực giàu tài nguyên này.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.