Phi hành gia NASA "mắc cạn" trên ISS

.

Sau nhiều năm trì hoãn, tàu vũ trụ mới Starliner do hãng Boeing chế tạo chở theo 2 nhà du hành vũ trụ của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là Butch Wilmore và Suni Williams được phóng lên từ Mũi Canaveral vào tháng 5-2024. Đây là chuyến bay nằm trong kế hoạch thử nghiệm cuối cùng nhằm đánh giá tàu vũ trụ Starliner, trước khi NASA có thể phê duyệt sử dụng nó thường xuyên.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi sứ mệnh của Butch Wilmore và Suni Williams trên tàu Starliner dự kiến chỉ trong 8 ngày nay phải “mắc cạn” trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) kéo dài thành 8 tháng vì tàu Starliner gặp sự cố vấn đề về động cơ đẩy và rò rỉ khí heli. Do tình huống đó này hai nhà du hành vũ trụ của NASA buộc phải ở lại trên ISS một thời gian kỷ lục.

Trong quá trình đánh giá, NASA xem xét các phương án thay thế để đưa hai nhà du hành vũ trụ về Trái đất nhưng gặp phải rất nhiều hạn chế. Theo The Guardian, ngày 24-8, tàu SpaceX hiện tại ở trên ISS chỉ có chỗ cho 4 người đã ở đó từ tháng 3-2024, trong khi tàu Soyuz của Nga chỉ chở được 3 người và có kế hoạch chở hai phi hành gia người Nga trở về Trái đất.

Vì vậy, theo Giám đốc NASA Bill Nelson, hai phi hành gia sẽ trở về Trái đất trên “chuyến bay taxi” tàu Crew-9 của SpaceX vào tháng 2-2025, còn tàu Starliner trở về mà không có người điều khiển vào tháng 9-2024. Ông Bill Nelson nhấn mạnh: “Tôi muốn các bạn biết rằng Boeing đã làm việc cật lực với NASA để tổng hợp dữ liệu cần thiết khi đưa ra quyết định này. Chúng tôi muốn hiểu sâu hơn gốc rễ vấn đề và nắm những cải tiến trong thiết kế, để Starliner đóng vai trò quan trọng trong việc đưa phi hành đoàn của chúng tôi lên ISS”. Giám đốc NASA còn nêu thêm các chuyến bay vào vũ trụ luôn tiềm ẩn rủi ro, ngay cả với những chuyến bay thường xuyên và an toàn nhất, trong khi con tàu đưa hai phi hành gia này thuộc kế hoạch bay thử nghiệm Starliner.

Do buộc phải ở lại, khi được hỏi trong cuộc gọi trực tiếp từ trạm ISS hồi giữa tháng 7-2024 về việc liệu họ còn tin tưởng vào đội Starliner và tàu vũ trụ hay không, chỉ huy sứ mệnh Butch Wilmore cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn tự tin. Trong lòng tôi thực sự có cảm giác rất vui khi tàu vũ trụ sẽ đưa chúng tôi về nhà, không vấn đề gì”. Theo CNN, nữ phi hành gia Butch Wilmore cho biết, họ đang tiếp tục tận hưởng thời gian sống và làm việc trên ISS, thực hiện các nhiệm vụ như thay máy bơm của máy xử lý nước tiểu thành nước uống và thực hiện các thí nghiệm khoa học như giải trình tự gene trong môi trường vi trọng lực. Họ cũng tiến hành việc thử nghiệm Starliner như một phương tiện “trú ẩn an toàn” trong trường hợp có sự cố trên ISS và kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống hỗ trợ sự sống khi có bốn người ở bên trong con tàu...

Dù sự cố tàu Starliner làm cho các nhà du hành mắc kẹt trên tàu ISS, buộc phải dùng tàu SpaceX thay thế nhưng NASA vẫn không từ bỏ chương trình hợp tác với Boeing. Cơ quan NASA vẫn hy vọng các vấn đề liên quan tới Starliner vẫn có thể được khắc phục kịp thời cho một chuyến bay có người lái khác trong khoảng 1 năm nữa. Điều này cho thấy mục tiêu của NASA là muốn duy trì sự cạnh tranh trong chương trình phi hành đoàn thương mại, bảo đảm có nhiều lựa chọn cho việc vận chuyển phi hành gia trong tương lai. Đồng thời tạo tiền đề để sau năm 2030 NASA tiếp tục tài trợ phát triển các trạm vũ trụ tư nhân trên quỹ đạo Trái đất nhằm duy trì sự hiện diện của Mỹ tại đây, với sự tham gia của các công ty Airbus và Blue Origin..., nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc tăng tốc đưa người lên Mặt trăng, xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung và đặc biệt mối quan hệ Nga-Mỹ đang rơi vào thời kỳ “băng giá” có thể khiến sự hợp tác để duy trì hoạt động của ISS không còn tồn tại. 

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.