Ai thắng, ai thua trong cuộc tranh luận Trump-Harris?

.

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Kamala Harris và Donald Trump vào ngày 11-9 khiến dư luận tranh cãi về việc ai có phần nhỉnh hơn bởi màn trình diễn này có thể ảnh hưởng đáng kể nhận thức của cử tri và lá phiếu của họ trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận ở Philadelphia ngày 10-9. Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận ở Philadelphia ngày 10-9. Ảnh: AFP

Đây là lần đầu tiên hai ứng cử viên này đối mặt trực tiếp với nhau sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút khỏi cuộc đua. Cuộc tranh luận diễn ra tại Pennsylvania, một trong những bang chiến địa quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Củng cố cương lĩnh tranh cử

Đây là cuộc tranh luận đánh dấu thời điểm quan trọng, mang tính quyết định tới cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11-2024 khi cả hai ứng cử viên đều tìm cách xác định cương lĩnh tranh cử và thu hút cử tri. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút và không có khán giả trực tiếp, khác xa với các hình thức tranh luận truyền thống nhằm giúp cuộc trao đổi có kiểm soát hơn dù ông Trump vẫn thường xuyên ngắt lời những người điều phối cũng như cố gắng chiếm ưu thế trong tranh luận.

Về chính sách kinh tế, theo NBC News, bà Harris tập trung kế hoạch hỗ trợ gia đình trung lưu bằng cách đề xuất khoản tín dụng thuế cho gia đình có trẻ em trị giá 6.000 USD và khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho doanh nghiệp nhỏ. Bà thể hiện bản thân là người có khả năng giải quyết vấn đề thiết thực khi tập trung viễn cảnh sẽ hiện thực hóa “nền kinh tế cơ hội” nhằm cải thiện điều kiện sống của gia đình lao động. Bà cũng chỉ trích ông Trump vì những lần cắt giảm thuế trước đây, cho rằng chúng chủ yếu có lợi cho các tỉ phú và tập đoàn, dẫn đến việc tăng thâm hụt ngân sách và tăng chi phí cho các gia đình trung lưu. Phản ứng lại, ông Trump phủ nhận cáo buộc của bà Harris, nhấn mạnh chính quyền của ông trước đó tạo ra một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử trước Covid-19, đồng thời chỉ trích tỷ lệ lạm phát hiện tại. Ông cũng bảo vệ chính sách thuế quan của mình, cho rằng nó có lợi cho người lao động Mỹ vì giúp đưa tiền trở lại đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bà Harris chỉ trích ông Trump về các vấn đề xã hội, đặc biệt là quyền sinh sản. Bà lên án những tuyên bố mâu thuẫn của ông về việc phá thai và cho rằng các chính sách của ông không bảo vệ quyền của phụ nữ. Trong khi đó, ông Trump cáo buộc bà Harris ủng hộ các biện pháp cực đoan mà theo ông sẽ làm tổn hại đến các giá trị của nước Mỹ. Chủ đề chủng tộc cũng nổi lên khi bà Harris chất vấn ông Trump về những lần bình luận mang tính phân biệt chủng tộc trước đây của ông. Song, ông Trump một mực bác bỏ.

Đảng Dân chủ thở phào

Trong cuộc tranh luận đầu tiên này, bà Harris nỗ lực tạo hình ảnh có sự khác biệt với ông Biden trong khi ông Trump hướng tới việc lấy lại động lực sau sự thay đổi ứng cử viên của đảng Dân chủ. Cuộc tranh luận cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong tầm nhìn của hai ứng cử viên về tương lai nước Mỹ, đặc biệt trong chính sách kinh tế mà còn phản ánh phong cách lãnh đạo của hai ứng cử viên, từ đó tạo ra bức tranh rõ nét về cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Theo Vox, bà Harris được nhiều người đánh giá là người chiến thắng trong cuộc tranh luận này. Giới phân tích chỉ ra, bà không chỉ khéo léo khiêu khích ông Trump mà còn giữ được sự bình tĩnh và truyền tải rõ ràng những thông điệp tranh cử của mình. Bà tập trung các vấn đề quan trọng như quyền phá thai và giảm thuế cho các gia đình, nhấn mạnh sự khác biệt giữa tầm nhìn của bà với lợi ích cá nhân của ông Trump. Màn trình diễn của bà Harris có lẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho đảng Dân chủ. Nhiều người tin rằng bà đã tận dụng tốt các sai lầm và sự mất tập trung của ông Trump trong khi tranh luận.

Trong khi đó, màn trình diễn của ông Trump bị chỉ trích là thiếu tổ chức và kém hiệu quả. Giới phân tích cho rằng ông đã gặp khó khăn trong việc kết nối với những cử tri chưa quyết định. Những ý đồ của ông nhằm gắn bà Harris với các chính sách không được lòng dân của chính quyền ông Biden đã bị che mờ bởi các phát ngôn gây sốc và những thuyết âm mưu, làm lệch hướng các lập luận chính của ông. Việc ông Trump không thể điều khiển cuộc tranh luận một cách hiệu quả có thể khiến những người ủng hộ tiềm năng xa rời ông, theo Newsweek.

Ai thực sự thua cuộc?
Dù vậy, theo Vox, cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa hai ứng cử viên cũng khiến nhiều cử tri thất vọng vì cả hai đều không mang đến cuộc thảo luận sâu sắc về các vấn đề quan trọng. Giới quan sát cho rằng, việc thiếu những chính sách được trình bày mạch lạc từ cả hai phía đã làm mất đi cơ hội có cuộc tranh luận có ý nghĩa hơn, khiến những cử tri hy vọng về một cuộc thảo luận nghiêm túc trở thành những người thua cuộc thực sự của cuộc tranh luận này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.