Apple, Google cùng thua trong vụ kiện "tỷ đô"

.

Ngày 10-9, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết bất lợi đối với các tập đoàn công nghệ Apple và Google của Mỹ trong hai vụ kiện riêng rẽ dài hơi trị giá hàng tỷ USD với Liên minh châu Âu (EU).

Theo CNN, ECJ, tòa án cấp cao nhất của EU, bác đơn kháng cáo của Apple, buộc tập đoàn này hoàn trả tiền thuế kỷ lục hơn 14 tỷ USD cho Chính phủ Ireland, kết thúc cuộc tranh chấp giữa Apple và EU xoay quanh thỏa thuận ưu đãi mà Ireland dành cho “Táo khuyết”. Cụ thể, ECJ công nhận phán quyết gây tranh cãi mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào năm 2016 là đúng khi khẳng định Ireland đã vi phạm luật viện trợ nhà nước của EU khi trao cho nhà sản xuất iPhone lợi thế cạnh tranh không công bằng, thông qua mức thuế cực thấp. Do đó, Ireland phải truy thu khoản tiền ưu ái này.

Được biết, để giảm thiểu nghĩa vụ thuế, Apple đã thiết lập hệ thống phức tạp, trong đó lợi nhuận từ việc bán hàng tại châu Âu được chuyển qua các công ty con có trụ sở tại Ireland, tận dụng mức thuế doanh nghiệp thấp của nước này. Cơ quan giám sát cạnh tranh của EU phát hiện Apple nộp thiếu thuế lợi nhuận trong giai đoạn 2003-2014. Đơn cử, văn phòng châu Âu của Apple tại thành phố Cork (Ireland) chỉ đóng mức thuế suất thực tế là 0,005% vào năm 2014.

Phán quyết mới nhất của ECJ đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến pháp lý gay gắt nhất nhằm chống trốn thuế tại các tập đoàn đa quốc gia; đồng thời cũng là một trong số nhiều cuộc điều tra từ thập niên trước về các thỏa thuận ưu đãi thuế giữa các công ty lớn và chính phủ của một số quốc gia EU.

Theo The Guardian, Chính phủ Ireland tuyên bố không có sự ưu đãi đặc biệt cho bất kỳ công ty hay người nộp thuế nào. Tuy nhiên, nước này đương nhiên sẽ tôn trọng phán quyết của ECJ liên quan đến số thuế phải trả trong vụ việc này. Ireland vốn nổi tiếng là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài với thuế suất thấp. Trong khi đó, trước phán quyết cuối cùng, không thể kháng cáo này, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, bày tỏ sự thất vọng và gọi vụ kiện như vậy hoàn toàn mang động cơ chính trị.

“Chúng tôi luôn trả tất cả khoản thuế ở bất cứ nơi nào chúng tôi hoạt động và chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản viện trợ đặc biệt nào. Apple tự hào là động lực tăng trưởng và đổi mới trên khắp châu Âu và toàn thế giới nói chung, và luôn là một trong những đơn vị nộp thuế lớn nhất thế giới”, phát ngôn viên của Apple khẳng định.

Thậm chí Apple còn lập luận rằng giới chức EU đang cố tình “thay đổi luật chơi” giữa chừng khi thay đổi các quy tắc theo một cách có hiệu lực hồi tố và phớt lờ yêu cầu luật thuế quốc tế vốn quy định thu nhập của tập đoàn đã phải chịu thuế tại Mỹ. Theo đó, Apple đã trả hơn 20 tỷ USD tiền thuế tại Mỹ đối với cùng một khoản lợi nhuận mà EC cho rằng đáng lẽ phải được đánh thuế ở Ireland.

Tương tự, gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến Google thuộc Tập đoàn Alphabet cũng cùng chung số phận với Apple sau khi ECJ giữ nguyên mức phạt 2,7 tỷ USD đối với gã khổng lồ này vì lạm dụng ưu thế độc quyền để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh. EU đưa ra mức phạt này sau khi phát hiện Google lạm dụng vị thế thống lĩnh bằng cách ưu tiên dịch vụ Google Shopping trong kết quả từ công cụ tìm kiếm của họ. Tuy nhiên, khoản tiền phạt này chỉ là một phần trong khoản phạt lên tới 8,8 tỷ USD mà tập đoàn này phải trả cho các vi phạm về quy định cạnh tranh của EU trong giai đoạn 2017-2019. Sự việc lần này tiếp tục cho thấy tai tiếng độc quyền vẫn đeo bám Google bởi trước đó, tháng 8-2024, tòa án quận Columbia (Mỹ) khẳng định Google hành động bất hợp pháp để duy trì sự thống trị trong tìm kiếm trực tuyến.

Các phán quyết nói trên của ECJ có giá trị cao nhất trong chiến dịch thúc đẩy cạnh tranh công bằng kéo dài một thập niên của ủy viên Ủy ban Cạnh tranh EU, bà Margrethe Vestager.  AFP dẫn phát biểu của bà Vestager ngày 10-9 ca ngợi chiến thắng lớn dành cho công dân châu Âu và công lý thuế. Đây cũng là chất xúc tác cho sự thay đổi, thách thức quan niệm lâu nay cho rằng các công ty kỹ thuật số nên được tự do hoạt động; đồng thời chứng minh thực tế ngay cả những công ty công nghệ mạnh nhất cũng có thể phải chịu trách nhiệm về những vi phạm. Các phán quyết cũng nêu bật lập trường cứng rắn của EU đối với các Big Tech, trong những năm gần đây đã mở rộng sang ban hành các quy định toàn diện để hạn chế quyền lực thống trị của họ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.