Cuộc khủng hoảng siêu vi khuẩn do kháng thuốc

.

Một nghiên cứu mới dự đoán rằng số ca tử vong toàn thế giới do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc điều trị có thể tăng gần 70% vào năm 2050, qua đó cho thấy gánh nặng của cuộc khủng hoảng kháng thuốc kháng sinh hiện nay.

Theo CNN, theo nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet, trong giai đoạn 2025-2050, thế giới có thể chứng kiến ​​hơn 39 triệu ca tử vong do trực tiếp liên quan đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi AMR là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển toàn cầu, do việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh ở người, động vật và thực vật, dẫn đến các tác nhân gây bệnh phát triển khả năng kháng thuốc. 

Tiến sĩ Chris Murray, Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe tại Đại học Washington, tác giả chính của nghiên cứu trên, dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nói đến tình trạng phổ biến của AMR và các tác động của nó. “Chúng ta cần quan tâm đúng mức đến các loại kháng sinh mới và quản lý kháng sinh để có thể giải quyết được vấn đề thực sự lớn này”, CNN dẫn lời ông Murray cho biết.

Các nhà nghiên cứu từ dự án Nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh (GRAM) ước tính số ca tử vong và bệnh tật liên quan đến AMR đối với 22 tác nhân gây bệnh, 84 sự kết hợp tác nhân gây bệnh với thuốc và 11 ca nhiễm trùng trên 204 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 1990 đến năm 2021. Khoảng 520 triệu hồ sơ cá nhân là một phần dữ liệu để đưa ra những ước tính đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện trong giai đoạn 1990-2021, số ca tử vong do AMR giảm hơn 50% ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng lại tăng hơn 80% ở người lớn từ 70 tuổi trở lên và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục. CNN dẫn lời TS Murray cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có hai xu hướng trái ngược nhau đang diễn ra: sự suy giảm số ca tử vong do AMR ở độ tuổi dưới 15, chủ yếu là do các chương trình tiêm chủng, nước và vệ sinh, một số chương trình điều trị và sự thành công của những chương trình đó. Đồng thời, có sự gia tăng về số ca tử vong ở độ tuổi trên 50, khi thế giới già đi, người lớn tuổi có thể dễ bị nhiễm trùng nặng hơn”.

Sử dụng mô hình thống kê, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra ước tính về số ca tử vong và bệnh tật do AMR gây ra vào năm 2050 trong 3 kịch bản: tình hình hiện tại tiếp tục, các loại thuốc kháng sinh mạnh mới được phát triển nhắm vào các mầm bệnh kháng thuốc và thế giới cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh nhiễm trùng và tiếp cận tốt hơn với thuốc kháng sinh.

Các dự báo cho thấy, số ca tử vong do kháng thuốc sẽ tăng vào năm 2050 nếu không có các biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng, thuốc kháng sinh mạnh và các nguồn lực khác để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, năm 2050, số ca tử vong trên toàn cầu có thể lên tới 1,9 triệu ca và số ca liên quan kháng thuốc có thể lên tới 8,2 triệu ca. Theo dữ liệu, các khu vực toàn cầu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi AMR là Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi cận Sahara - những khu vực người dân không được tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc chất lượng. Còn đối với kịch bản thế giới có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, các nhà nghiên cứu dự báo có thể ngăn ngừa 92 triệu ca tử vong trong khoảng thời gian 2025-2050. Đối với kịch bản thế giới có các loại thuốc mới, mạnh hơn, có thể ngăn ngừa khoảng 11 triệu ca tử vong.

The Guardian dẫn lời ông Samuel Kariuki, thuộc Viện nghiên cứu y khoa Kenya, cho biết, các nhà khoa học của dự án GRAM có cách tiếp cận sáng tạo và hợp tác, cung cấp đánh giá toàn diện về tình trạng kháng thuốc kháng sinh và gánh nặng tiềm tàng của nó đối với thế giới. Nhìn chung, dữ liệu này sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư và hành động có mục tiêu hướng đến giải quyết thách thức ngày càng gia tăng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở mọi khu vực. Tuy nhiên, ông cảnh báo các mô hình dự báo không tính đến sự xuất hiện của các siêu vi khuẩn mới cũng như các mầm bệnh mới xuất hiện.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.