Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực gia nhập BRICS

.

Trong những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Giới chuyên gia nhận định, mong muốn này là một phần của chiến lược ngoại giao tăng cường quan hệ với nhiều đối tác trong một thế giới đa cực.

Theo RT, ông Yury Ushakov, trợ lý đối ngoại của Tổng thống Nga, gần đây xác nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. “Các nước thành viên của khối đang xem xét đơn này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhận lời tham gia hội nghị BRICS được tổ chức tại Kazan vào tháng 10-2024”, ông Ushakov cho biết.

Theo nhật báo Sabah ngày 6-9, việc Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định gia nhập BRICS thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga và Mỹ. TASS đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với đài RBC, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có cách tiếp cận nghiêm túc trong nỗ lực gia nhập BRICS. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia thành viên duy nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai ý định gia nhập khối mà Nga đang làm Chủ tịch luân phiên. Ông Lavrov cũng nhấn mạnh, BRICS không có quy định nào cấm các quốc gia thành viên của các tổ chức khác như NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU) duy trì mối quan hệ với BRICS. Điều quan trọng là các thành viên BRICS và các quốc gia hợp tác với nhóm này chia sẻ các giá trị chung, khác biệt so với những gì EU đang bảo vệ, đặc biệt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Trong khi Nga đón nhận sự gia nhập tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ vào BRICS, Mỹ có phản ứng khá thận trọng. Theo CNN, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, Washington tin rằng các quốc gia có quyền tự do lựa chọn quan hệ đối tác của họ, gồm việc gia nhập các nhóm quốc tế như BRICS. Đại sứ Mỹ tại Ankara, Jeff Flake, cũng bày tỏ hy vọng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS sẽ không thay đổi sự liên kết chiến lược của nước này với phương Tây.

Dẫn lời một số nguồn tin thân cận giấu tên, Bloomberg đưa tin động thái ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh nguyện vọng vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực, đồng thời vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO.  “Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng, uy tín và hiệu quả nếu cải thiện quan hệ với cả phương Đông và phương Tây cùng lúc”, Tổng thống Erdogan phát biểu tại Istanbul vào tháng 8-2024.

Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập BRICS sau khi không đạt được tiến triển về việc gia nhập EU. Nỗ lực này một phần cũng là kết quả của sự rạn nứt với các thành viên NATO khác sau khi Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga sau khi xung đột với Ukraine nổ ra vào năm 2022. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Ankara vẫn đang nỗ lực song song để khôi phục các cuộc đàm phán gia nhập với EU.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc gia nhập BRICS có thể giúp nước này cải thiện hợp tác kinh tế với Nga và Trung Quốc, qua đó trở thành cầu nối thương mại giữa EU và châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt từ Nga và Trung Á. Chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng tìm cách cố gắng thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ô-tô điện Trung Quốc - những công ty có khả năng tận dụng liên minh hải quan của Thổ Nhĩ Kỳ với EU để thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường của họ.

BRICS luôn tự coi mình là giải pháp thay thế cho các tổ chức do phương Tây thống trị như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Các thành viên mới có khả năng tiếp cận nguồn tài chính thông qua ngân hàng phát triển cũng như mở rộng các mối quan hệ chính trị và thương mại. Theo Middle East Eye, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này bị BRICS thu hút, bởi khối không yêu cầu phải có cam kết hay thỏa thuận về kinh tế cũng như chính trị.

“Chúng tôi không coi BRICS là lựa chọn thay thế NATO hay EU. Tuy nhiên, quá trình đàm phán gia nhập EU bị ngưng trệ đã thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm các nền tảng kinh tế khác. Chúng tôi muốn tham gia mọi nền tảng đa phương, ngay cả khi cơ hội hưởng lợi rất nhỏ”, quan chức này cho biết.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.