Fed hạ lãi suất tác động kinh tế toàn cầu ra sao?

.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%), đánh dấu lần hạ đầu tiên sau 4 năm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hướng đi của kinh tế Mỹ mà còn có tác động lan tỏa tới kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố quyết định cắt giảm lãi suất tại Washington DC, ngày 18-9. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố quyết định cắt giảm lãi suất tại Washington DC, ngày 18-9. Ảnh: Reuters

Quyết định của Fed (thường được coi là ngân hàng dẫn đầu toàn cầu) đánh dấu sự khởi đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ sắp tới trên thế giới, trước mắt ảnh hưởng đến các sản phẩm tín dụng cũng như giá trị của tiền mặt, trái phiếu và cổ phiếu...

Theo CNN, với quyết định của Fed, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Vì sao Fed hạ lãi suất vào thời điểm này? Nếu Fed hạ lãi suất vì lạm phát giảm, đó là tin tốt cho nền kinh tế và nhà đầu tư. Việc xoay trục vì một lý do như vậy đồng nghĩa Fed đang tiến tới đạt mục tiêu đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”, tức giảm lạm phát nhưng không gây suy thoái. Tuy nhiên, nếu Fed giảm lãi suất vì tình trạng của nền kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có nguy cơ xuất hiện cuộc suy thoái kinh tế, đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là tín hiệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ sắp tăng lên đáng kể và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm sút vì nhu cầu suy yếu. Cũng dễ hiểu khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump nói với CNN: “Dù sao, đây cũng là mức giảm lớn. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ rất tệ nên mới phải giảm lãi suất nhiều như thế. Hoặc là Fed đang có động cơ chính trị”.

Trước những đồn đoán, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay đây là sự hiệu chỉnh lại lãi suất cơ bản, dựa trên những dữ liệu về “sức khỏe” kinh tế Mỹ, triển vọng đang thay đổi và sự cân bằng của các rủi ro. Cụ thể, Fed gần đây dự báo lạm phát sẽ giảm về mức 2,3% vào cuối năm 2024, đang trên đà tiến về mốc mục tiêu 2%, trong khi dự báo trung bình về tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm xuống còn 2% trong năm nay.

Ông Powell cũng nói rõ rằng nguyên nhân đáng chú ý khác dẫn tới việc giảm lãi suất là do tăng trưởng việc làm của Mỹ đang dần chậm lại trong vài tháng qua và Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức 4,4% vào cuối năm 2024.

Theo Financial Times, số lượng việc làm cần tuyển dụng đã giảm nhiều so với mức cao kỷ lục thiết lập ở thời điểm nền kinh tế Mỹ phục hồi sau Covid-19. Tình trạng suy yếu của thị trường việc làm là điều đã được lường trước, nhưng mối lo ngại đã nổi lên gần đây là thị trường việc làm không chỉ yếu đi, mà thực chất đang rạn nứt vì chiến dịch tăng lãi suất của Fed trong thời gian qua. Do đó, quyết định của Fed được kỳ vọng mang đến sự khởi đầu mạnh mẽ cho sự thay đổi chính sách nhằm củng cố thị trường lao động.

Ngoài ra, Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm 2024 và 1% vào năm 2025. Đến năm 2026, Fed sẽ hạ tiếp 0,5% để đưa lãi suất về 2,75-3%. Cơ quan này tin rằng các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới sẽ tiếp tục chèo lái kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, tránh xa nguy cơ suy thoái kinh tế.

Rõ ràng, quyết định mới nhất của Fed sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi nước  Mỹ, với tác động đa chiều đến kinh tế toàn cầu. Reuters chỉ ra một số tác động chính. Trước hết, các ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác sẽ lần lượt nối gót Fed. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh khả năng có số lần cắt giảm ít hơn Fed vì vẫn còn cảnh giác với lạm phát.

Tương tự, lãi suất tại Mỹ giảm có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi toàn cầu cũng “dễ thở” hơn khi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Bên cạnh đó, áp lực đối với các thị trường này trong việc phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái cũng sẽ giảm bớt khi Mỹ hạ lãi suất. Nhờ đó, các thị trường mới nổi có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi do Reuters theo dõi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.

Bên cạnh đó, các thị trường chứng khoán sẽ phục hồi. Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, Emmanuel Cau, cho biết nếu có đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái, thị trường thường có xu hướng đi lên trở lại và các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ lãi suất thấp là bất động sản và tiện ích. Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi khi thường diễn biến theo thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Ngoài kim loại quý như vàng, kim loại cơ bản như đồng cũng hưởng lợi khi lãi suất thấp hơn và USD có thể yếu hơn một chút giúp chi phí mua kim loại nhẹ hơn, đồng thời  kích cầu tiêu thụ.

Dẫu vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là một năm, tác động từ việc điều chỉnh này của Fed mới được cảm nhận rõ rệt. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.