Kêu gọi biến cam kết về khí hậu thành hành động

.

Các quốc gia đang phát triển yêu cầu nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu khi nó không còn dừng lại là vấn đề môi trường.

Theo CNN, trong bối cảnh thảm họa khí hậu gia tăng nghiêm trọng, Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức hội nghị thượng đỉnh Tương lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9, tập trung thảo luận giải quyết các thách thức lớn mang tính toàn cầu. Đặc biệt, sẽ có khoảng 900 sự kiện liên quan khí hậu diễn ra tại New York (Mỹ) nhân Tuần lễ khí hậu năm nay, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận và nhà hoạt động vì khí hậu.

Phiên họp của LHQ bàn về vấn đề biến đổi khí hậu thu hút sự quan tâm của của hầu hết lãnh đạo các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển vốn đang chịu đựng những thiệt hại nặng nề nhưng lại thiếu nguồn lực để khắc phục cũng như những biện pháp để chống chọi. Thực tế, các nước công nghiệp phát triển sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất, và đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nhiệt độ tăng cao trên trái đất. Các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là nhóm các quốc gia phát thải hơn 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Từ các diễn đàn quốc tế, các nước phát triển luôn đưa ra nhiều cam kết cả về giảm lượng phát thải hiệu ứng nhà kính cũng như đóng góp tài chính, hỗ trợ các nước nghèo chống chọi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn liên tiếp cắt giảm sự đóng góp tài chính... Động thái này gây sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước giàu với các nước nghèo, làm trầm trọng thêm phản ứng của dư luận.

CNN dẫn lời các quan sát viên tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu bày tỏ sự tiếc nuối khi Hiệp ước cho tương lai vừa được thông qua tại hội nghị gần đây đã không thể đạt bước tiến xa hơn so với Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong việc khẳng định cam kết chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch cũng như mục tiêu tài chính toàn cầu mới để thay thế cam kết 100 tỷ USD hằng năm sẽ hết hạn vào năm 2025.

Theo Công ty Moody’s Ratings, các khoản đầu tư vào khí hậu trên toàn cầu đang thiếu hàng nghìn tỷ USD so với mức cần thiết để đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng với các tác động khí hậu.

Trong đó đáng chú ý là lời cảnh báo từ các nước đang phát triển, các nước nghèo và các quốc đảo ở Thái Bình Dương nhằm vào các nước giàu là hãy thôi nói suông về biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia đang phát triển yêu cầu nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu khi nó không còn dừng lại là vấn đề môi trường mà đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

Theo AP, đại diện nhóm các quốc gia phát triển kém nhất, Bộ trưởng Khí hậu và Tài nguyên của Malawi Yusuf Mkungula thẳng thắn bày tỏ: “Các quốc gia công nghiệp hóa phải dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”. Thậm chí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Samoa, đồng thời giữ chức Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) Cedric Schuster than phiền: “Những người bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới đã quá mệt mỏi với những lời nói suông”! Tổng Thư ký Khối thịnh vượng chung Patricia Scotland nhấn mạnh một số quốc gia nghèo nhất thế giới hiện phải đối mặt các thảm họa do khí hậu gây ra, cùng với gánh nặng nợ nần tăng lên chưa từng có.

Rõ ràng, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là nhiệm vụ không của riêng một quốc gia nào, nhưng chính các nước phát triển đã và đang hưởng lợi chủ yếu phải có trách nhiệm và lời nói phải đi đôi với hành động cụ thể. Theo Reuters, phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ diễn ra ngày 23-9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo, các thách thức quốc tế đang diễn ra nhanh hơn khả năng ứng phó của toàn cầu.

Các cuộc khủng hoảng đan xen nhau và tiếp thêm sức mạnh cho nhau. Khi công nghệ số làm lan rộng những thông tin sai lệch về khí hậu, điều này làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ và gia tăng sự phân cực xã hội. Đồng thời, các quốc gia phát triển phải chi trả cho những tổn thất và thiệt hại xảy ra ở các quốc gia nghèo hơn, đặc biệt khi họ đóng góp rất ít vào biến đổi khí hậu nhưng phải chịu đựng những tác động tồi tệ nhất.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.