Những thay đổi căn bản trong học thuyết hạt nhân Nga

.

Tổng thống Vladimir Putin thông báo những thay đổi căn bản dự kiến trong học thuyết hạt nhân cập nhật của nước này, trong đó có việc mở rộng danh sách các quốc gia và liên minh quân sự phải chịu sự răn đe hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo những thay đổi căn bản dự kiến trong học thuyết hạt nhân cập nhật của nước này. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo những thay đổi căn bản dự kiến trong học thuyết hạt nhân cập nhật của nước này. Ảnh: TASS

Mở rộng đối tượng răn đe hạt nhân

TASS dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu khai mạc cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 25-9 với sự tham gia của các quan chức cấp cao cho biết, trong chương trình nghị sự có vấn đề liên quan việc cập nhật nền tảng của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Cùng với học thuyết quân sự, đây là tài liệu chính thức định nghĩa và chi tiết hóa chiến lược hạt nhân của Nga khi xác định nguyên tắc cơ bản về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ông Putin lưu ý rằng tình hình quân sự và chính trị hiện đại đang thay đổi nhanh chóng, nên Nga phải tính đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các nguồn đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga và các đồng minh. Do đó, điều quan trọng là phải dự đoán diễn biến tình hình và điều chỉnh văn kiện lập kế hoạch chiến lược phù hợp thực tế hiện tại.

Trước hết, dự thảo văn kiện này mở rộng danh mục các quốc gia và liên minh quân sự phải chịu sự răn đe hạt nhân; bổ sung thêm nhiều mục vào danh sách các mối đe dọa quân sự mà việc vô hiệu hóa chúng đòi hỏi phải có sự răn đe hạt nhân. Đáng chú ý, có đề xuất bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung nhằm vào Nga.

Bên cạnh đó, ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân được tiếp tục hạ xuống. Theo đó, Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân khi nhận được thông tin đáng tin cậy về cuộc tấn công quy mô lớn bằng các phương tiện tấn công hàng không vũ trụ và sự xâm nhập qua biên giới Nga, bao gồm các máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái, tên lửa siêu thanh và các loại phương tiện hàng không khác, có thể được hiểu là lý do đủ để Moscow đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Điểm mới đáng chú ý khác trong kế hoạch điều chỉnh lần này là việc Nga lần đầu tiên mở rộng phạm vi bảo vệ sang đồng minh thân cận Belarus. Theo đó, Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus, với tư cách là thành viên của nhà nước liên minh. Mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của Nga bằng vũ khí thông thường cũng sẽ đủ để Moscow đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Lập trường của Nga

Có thể nói, quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga được coi là câu trả lời đanh thép của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận gần đây ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.

Theo TASS, ông Putin nhấn mạnh các điều chỉnh đề cập ở trên đã được tính toán, hiệu chỉnh kỹ lưỡng và tương xứng với các mối đe dọa quân sự hiện đại mà Nga đang phải đối mặt. Cùng với việc công khai những thay đổi cơ bản dự kiến trong học thuyết hạt nhân, ông Putin cũng khẳng định lập trường kiên định của Nga về vấn đề răn đe hạt nhân. Nga luôn luôn có thái độ và cách tiếp cận có trách nhiệm cao đối với việc sử dụng lực lượng hạt nhân và tìm cách ngăn chặn sự phổ biến của chúng trên toàn cầu.

“Bộ ba hạt nhân” gồm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, vẫn là sự bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh quốc gia Nga và là một công cụ để duy trì sự cân bằng chiến lược và cán cân quyền lực trên thế giới.

Phiên bản hiện tại của học thuyết hạt nhân đã được phê duyệt vào tháng 6-2020, thay thế cho một tài liệu tương tự trước đó vẫn có hiệu lực trong khoảng một thập kỷ. Học thuyết đang được điều chỉnh dựa trên công tác phân tích của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh và các cơ quan chính phủ khác của Nga thực hiện trong năm qua.

Nga nêu điều kiện để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt
Theo Sputnik, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại diện thường trực của Nga Vasily Nebenzya tuyên bố, Moscow sẽ tiếp tục chiến dịch đặc biệt nếu phương Tây không dừng kích động chính quyền Kiev. Nga lâu nay vẫn luôn sẵn sàng chung sống hòa bình và là láng giềng tốt với Ukraine cho đến khi nước này đe dọa an ninh Nga và bắt đầu lập kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga kêu gọi Kiev chấp nhận càng sớm càng tốt đề xuất thực tế cho một giải pháp có ý nghĩa lâu dài để thoát khỏi khủng hoảng, thay vì liên tục đưa ra một số tối hậu thư, kế hoạch chiến thắng phi thực tế.

THƯ LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.