Palestine ngày càng khẳng định vị thế

.

Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine để hình thành một nhà nước độc lập cùng tồn tại bên cạnh nhà nước Do Thái được cho là một trong những nguyên nhân chính làm cho cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông kéo dài kể từ Thế chiến 2 đến nay. Đặc biệt, kể từ tháng 10-2023, cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở dải Gaza nổ ra, khiến tình hình trở nên trầm trọng, nhiều vùng đất của người Palestine bị quân đội Israel tàn phá khốc liệt, đồng thời bị chiếm đóng bất hợp pháp, gây thương vong cho hàng vạn dân thường, đẩy hàng triệu người rơi vào thảm họa nhân đạo chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, theo CNN, tháng 4-2024, chính quyền Palestine tái khởi động nỗ lực xin gia nhập làm thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc (LHQ). Mặc dù Mỹ và Israel chống đối, nhưng phái đoàn Palestine được hầu hết các quốc gia ủng hộ và có được một ghế tại Đại hội đồng LHQ kể từ tháng 9-2024, một quyền lợi mới của Palestine cho dù họ chưa phải là thành viên chính thức của cơ quan này. Đại hội đồng LHQ đã cấp cho phái đoàn Palestine một số quyền mới trong một nghị quyết. Theo đó, bắt đầu từ phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 79, phái đoàn Palestine có thể đệ trình các đề xuất và sửa đổi.

Đáng chú ý, trên cơ sở ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 19-7, Đại hội đồng LHQ tiến hành phiên họp đặc biệt trong hai ngày 17 và 18-9, thảo luận các hành động bất hợp pháp của Israel tại đông Jerusalem và phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ngay sau khi có vị thế mới ở LHQ, trong phiên họp này, phái đoàn Palestine đã trình dự thảo nghị quyết về việc triệt thoái quân đội Israel ra khỏi vùng đất của người Palestine.

Mỹ, đồng minh số 1 của Israel, từ lâu đã phản đối các biện pháp đơn phương làm suy yếu triển vọng của giải pháp hai nhà nước, nên ngay lập tức tại phiên thảo luận, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi các quốc gia bỏ phiếu chống lại dự thảo này. Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon chỉ trích Đại hội đồng vì không lên án cuộc tấn công của các chiến binh Hamas người Palestine ngày 7-10-2023 vốn châm ngòi cho cuộc tấn công trả đũa của Israel vào dải Gaza. Ở chiều ngược lại, Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour cho rằng: “Mỗi quốc gia đều có một phiếu bầu và thế giới đang theo dõi chúng tôi. Xin hãy đứng về phía đúng đắn của lịch sử, với luật pháp quốc tế, với tự do và với hòa bình”.

Trước đó, ngày 19-7-2024, ICJ công bố ý kiến tư vấn theo đề nghị của Đại hội đồng LHQ tại Nghị quyết số 77/247 ngày 20-12-2022. Trong ý kiến tư vấn, ICJ khẳng định sự hiện diện liên tục của Israel tại các vùng lãnh thổ này là “bất hợp pháp” và tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ không công nhận sự chiếm đóng đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Vì thế, với 124 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 43 phiếu trắng, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong vòng 12 tháng, tuân thủ luật pháp quốc tế và rút quân đội, chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động định cư mới, di tản tất cả người định cư khỏi vùng đất bị chiếm đóng và phá dỡ một phần bức tường phân cách mà nước này xây dựng bên trong Bờ Tây bị chiếm đóng. Nghị quyết cũng yêu cầu Israel cho phép tất cả người Palestine bị di dời trong thời gian chiếm đóng được trở về nơi xuất phát và được bồi thường thiệt hại do việc chiếm đóng gây ra.

Nghị quyết này tuy không mang tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị, được cho là sẽ cô lập sự ủng hộ đối với Israel trên trường quốc tế, nhất là chỉ vài ngày nữa các nhà lãnh đạo thế giới đến New York để tham dự Tuần lễ cấp cao của LHQ. Đồng thời, đánh dấu bước ngoặt mới của chính quyền Palestine khi gần đây có nhiều nước chính thức công nhận và có được vị thế mới tại tổ chức lớn nhất hành này để tạo thuận lợi cho đối thoại cũng như nỗ lực quốc tế hướng tới giải pháp hòa bình và bền vững cho vấn đề Palestine, sớm hình thành một nhà nước Palestine độc lập, chung sống hòa bình với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, như ước nguyện của hàng triệu triệu người dân Palestine.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.