Tình hình từ Gaza đến Bờ Tây thêm trầm trọng

.

Trong khi đàm phán ngừng bắn ở dải Gaza rơi vào ngõ cụt, các hành động quân sự của quân đội Israel không những khiến tình hình ở dải đất đau thương thêm trầm trọng mà còn khiến căng thẳng ở khu Bờ Tây leo thang.

Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis (Gaza) được quân đội Israel chỉ định là khu vực an toàn vào đầu cuộc xung đột. Ảnh: AFP
Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis (Gaza) được quân đội Israel chỉ định là khu vực an toàn vào đầu cuộc xung đột. Ảnh: AFP

Israel tăng cường tấn công dải Gaza...

Ngày 10-9, AFP cho biết, ít nhất 40 người chết và 60 người khác bị thương trong cuộc không kích của Israel tại khu vực nhân đạo Al-Mawasi ở thành phố chính Khan Yunis, phía nam dải Gaza. Điều đáng nói là chính quân đội Israel chỉ định nơi đây là khu vực an toàn vào đầu cuộc xung đột với Hamas khi cung cấp nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn người Palestine. Trong tuyên bố riêng, cơ quan phòng vệ dân sự Gaza cho biết, những người trú ẩn tại các lều trại này không được cảnh báo về cuộc không kích, đồng thời nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt công cụ và thiết bị đang cản trở các hoạt động cứu hộ nhiều người vẫn đang mất tích.

Trong khi đó, cũng giống như mọi tuyên bố sau các cuộc không kích bất ngờ khác nhằm vào các khu vực nhân đạo, quân đội Israel tiếp tục phân trần chỉ với một lý do duy nhất: nhắm vào những chiến binh Hamas ẩn ấp tại trung tâm chỉ huy của Hamas trong khu vực nhân đạo Al-Mawasi. Israel vẫn biện minh rằng lực lượng Hamas tiếp tục lạm dụng hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza, bao gồm cả khu vực nhân đạo đã được chỉ định, để thực hiện hoạt động chống lại quân đội Israel - cáo buộc mà Hamas lâu nay luôn bác bỏ. Hamas cho biết tuyên bố của Israel về việc các chiến binh của họ có mặt tại hiện trường vụ không kích này là “lời nói dối trắng trợn”. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cảnh đau thương tại khu vực này. Trước đó, tháng 7-2024, quân đội Israel tiến hành các hoạt động trong và xung quanh khu vực, bao gồm cuộc không kích tiêu diệt chỉ huy quân sự Hamas Mohammed Deif khiến hơn 90 người chết.

Bên cạnh đó, theo AP, ngày 9-9, Israel chặn đoàn xe chở vắc-xin bại liệt của cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) về hỗ trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) ở bắc Gaza, sau khi nhận được thông tin tình báo về “một số nghi phạm người Palestine trong đoàn xe” và muốn thẩm vấn những người này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan đang chạy đua với thời gian cho trẻ em ở Gaza uống vắc-xin bại liệt nhằm kiềm chế đợt bùng phát hiện nay và ngăn chặn sự lây lan của bệnh bại liệt trên toàn cầu.

... đến Bờ Tây

Điều đáng lo ngại là bạo lực tại Bờ Tây đang leo thang song song với cuộc xung đột Israel - Hamas kể từ thời điểm bùng nổ vào tháng 10-2023. Ngày 9-9, Reuters dẫn lời Cao ủy nhân quyền LHQ Volker Turk nhấn mạnh, các hoạt động lớn của Israel trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng đang làm trầm trọng thêm tình hình thảm họa tại đây. Phát biểu khai mạc khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ gần đây, ông Turk lên án tình trạng bạo lực gia tăng ở Bờ Tây khi Israel tiến hành các cuộc đột kích mà một trong số đó ở quy mô chưa từng thấy trong hai thập niên qua.

Động thái đáng quan ngại như vậy đang làm trầm trọng thêm tình hình thảm khốc tại đây, nơi bị khủng hoảng do bạo lực nghiêm trọng liên quan người định cư. Gần 10.000 người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc cơ sở quân sự của Israel, trong đó nhiều trường hợp bị giam giữ vô căn cứ và 50 người đã tử vong do điều kiện không bảo đảm.

Theo The Guardian, đến nay ít nhất 660 người Palestine ở Bờ Tây thiệt mạng do các hoạt động quân sự của Israel. Theo cơ quan y tế Palestine, quân đội Israel bắt đầu tiến hành các cuộc đột kích đồng loạt vào một số thành phố và trại tị nạn ở phía bắc Bờ Tây vào cuối tháng 8-2024, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất của Israel tại Bờ Tây trong vòng 20 năm qua. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), từ ngày 27-8 đến 2-9, ít nhất 30 người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel. Đây là con số tử vong hằng tuần cao nhất kể từ tháng 11-2023.

Trước tình thế này, ông Turk nhấn mạnh, việc chấm dứt giao tranh ở Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực là ưu tiên tuyệt đối và cấp bách. Bất chấp nỗ lực không ngừng của Mỹ, Qatar, Ai Cập để làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi con tin - tù nhân giữa Israel và Hamas, các cuộc đàm phán đến nay “gần như bằng 0” khi hai bên tham gia xung đột vẫn đổ lỗi cho nhau về việc không đạt được lệnh ngừng bắn. Hiện, trở ngại lớn nhất vẫn là quan điểm của Hamas yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza như một phần bắt buộc trong bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng Israel khăng khăng quân đội của họ phải bám chặt hành lang Philadelphi dọc biên giới giữa miền nam Gaza và Ai Cập.

Khu vực nhân đạo tại Gaza bị thu hẹp đáng kể
Theo AFP, từ 1.200 cư dân Palestine/km2 trước xung đột, khu vực nhân đạo Al-Mawasi hiện là nơi trú ngụ của 30.000 đến 34.000 người/km2 và diện tích khu vực được bảo vệ đã giảm còn 41km2, theo tính toán của LHQ. Theo số liệu của cơ quan y tế Palestine, xung đột Hamas-Israel đến nay đã khiến ít nhất gần 50.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Gaza hồi tháng 10-2023 để đáp trả cuộc tấn công của Hamas khiến 1.200 người Israel chết.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.