Trung Quốc, Nga đẩy mạnh hợp tác ở vùng Viễn Đông

.

Nga và Trung Quốc đang cùng nhau xây dựng nhiều kế hoạch, dự án hợp tác đầy tiềm năng ở vùng Viễn Đông của Nga trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất và các ngành công nghiệp mới nổi.

Khách tham quan triễn lãm tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 9 tại Nga. Ảnh: Xinhua
Khách tham quan triễn lãm tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 9 tại Nga. Ảnh: Xinhua

Điểm sáng trong hợp tác song phương

Theo Global Times, Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 9 gần đây tại thành phố Vladivostock ở vùng Viễn Đông của Nga chứng kiến lễ ký kết hơn 300 thỏa thuận trị giá hơn 61 tỷ USD. Đáng chú ý, 3 công ty thành viên của Hiệp hội Phát triển nước ngoài Trung Quốc trao đổi với các đối tác Nga về dự án xây dựng nhà thông minh và sản xuất robot, qua đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi. Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều công ty Trung Quốc cũng đã xúc tiến đầu tư vào ngành sản xuất của Nga, bao gồm ô-tô, điện thoại thông minh và máy móc xây dựng. Một số nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc đang lắp ráp ô-tô ở Nga để thúc đẩy nội địa hóa. Thậm chí, vài năm trước, người Nga không quan tâm đến việc sản xuất que khuấy cà phê, một sản phẩm có giá trị không đáng kể, nay họ lại sản xuất mặt hàng này.

Theo giới quan sát, các công ty Trung Quốc ngày càng có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt sau khi Nga thay đổi chính sách để tập trung sâu hơn vào việc xây dựng sức mạnh công nghiệp trong nước, với mục tiêu hướng đến nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tăng cường xuất khẩu.

Global Times dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nước ngoài Trung Quốc He Zhenwei nhận định tiềm năng hợp tác rất lớn giữa Trung Quốc và Nga ở Viễn Đông, trong đó đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất của Nga đã trở thành điểm sáng mới. Các sản phẩm của Trung Quốc đã giành được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nga nhờ chất lượng hàng hóa được cải thiện và cam kết của Trung Quốc về phát triển chất lượng cao.

Gần đây, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) và Công ty hóa dầu Haiwei (Trung Quốc) nhất trí đầu tư dự án xây dựng cảng biển đầu tiên để vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng ở Viễn Đông với tổng chi phí khoảng 30 tỷ Ruble (328,5 triệu USD). Thị trường xuất khẩu mục tiêu là Trung Quốc và các quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, cảng biển này sẽ tiếp nhận khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được vận chuyển bằng đường sắt, sau đó lưu trữ và chuyển lên tàu chở khí. Nếu tính đến việc vận chuyển các loại hàng hóa khác, ngoài LPG, công suất của cảng có thể đạt 10 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực quan trọng khác để hai nước tăng cường hợp tác ở Viễn Đông. Ông Zhao Xiangyu, Chủ tịch Công ty nông nghiệp Liangtai có trụ sở ở tỉnh Hắc Long Giang, người đã thành lập một công ty nông nghiệp ở Primorye (Viễn Đông), bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Nga có những lợi thế đáng kể, gồm diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào để sản xuất ngũ cốc, rau, trái cây và các sản phẩm chăn nuôi, trong khi Trung Quốc có nhu cầu lớn về nông sản. Chính quyền vùng Primorye đã cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp để khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc phát triển nông nghiệp tại đây.

Cầu nối giữa Nga và châu Á-Thái Bình Dương

Viễn Đông trở thành lá cờ đầu của Nga trong thực tế kinh tế toàn cầu mới và sự phát triển của khu vực này được xác định là ưu tiên quốc gia xuyên suốt trong thế kỷ 21, trở thành yếu tố quan trọng nhất trong nỗ lực củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế. Vùng này đã trở thành cầu nối giữa Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, trong bối cảnh các mối quan hệ kinh doanh quan trọng nhất, các tuyến thương mại và toàn bộ hướng phát triển đang “xoay trục” về Đông và Nam bán cầu, Viễn Đông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, kinh doanh của Nga với toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương khi cung cấp “quyền truy cập” trực tiếp của Nga vào các thị trường đang phát triển và đầy hứa hẹn này, qua đó vượt qua rào cản mà một số nước phương Tây đang cố gắng áp đặt. Và điều quan trọng nhất là Viễn Đông cung cấp không gian rộng lớn cho các sáng kiến ​​kinh doanh, khởi động các dự án mang tầm vóc lớn và thúc đẩy hình thành, phát triển các ngành công nghiệp mới. Hiện, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính và là nguồn đầu tư nước ngoài vào Viễn Đông của Nga trong nhiều năm nay.

Trung Quốc nới lỏng hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo China Daily, Trung Quốc đang thu hẹp danh sách các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài, trong đó ngành sản xuất không còn hạn chế nào. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-11. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 8-9, đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng hệ thống mới trong nền kinh tế có độ mở lớn hơn. Cùng ngày, Bộ Thương mại, Ủy ban Y tế Quốc gia và Cục quản lý sản phẩm y tế quốc gia của Trung Quốc ban hành thông tư cho biết sẽ cho phép các bệnh viện hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài được hoạt động tại một số thành phố và khu vực bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến và đảo Hải Nam.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.