Trung Quốc trấn an giới đầu tư trước xu hướng rút lui

.

Trong khi truyền thông phương Tây đưa tin các công ty nước ngoài dần rút lui khỏi thị trường này do kinh tế khó khăn, Trung Quốc tái khẳng định nước này vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của nhiều tập đoàn quốc tế, và sự thay đổi này chỉ mang tính tạm thời.

Công trình mang tính bước ngoặt trong tương lai tại Khu thương mại tự do Lingang của Thượng Hải, ‘Ring of Lingang Glory’, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024. Ảnh: VCG
Công trình mang tính bước ngoặt trong tương lai tại Khu thương mại tự do Lingang của Thượng Hải, ‘Ring of Lingang Glory’, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024. Ảnh: VCG

Những yếu tố tác động chính

Trong những năm gần đây, bên cạnh Trung Quốc, sự nổi lên của các điểm đến sản xuất thay thế ở châu Á lọt “mắt xanh” của nhiều công ty nước ngoài. Đơn cử, các thương hiệu lớn như Apple đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự dịch chuyển trong chiến lược đầu tư của các công ty phương Tây tại Trung Quốc còn được thúc đẩy bởi cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ nội địa. Giờ đây, các công ty Trung Quốc không ngừng cải thiện hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ, tạo ra sức ép lớn lên các công ty nước ngoài vốn đã có chỗ đứng lâu năm tại thị trường này.

Theo SCMP, các hãng xe nước ngoài đang dần thất thế so với các nhà sản xuất nội địa trong cuộc đua sản xuất xe điện thông minh được ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn. Hiện phân khúc xe sử dụng năng lượng mới (NEV) chiếm hơn 40% số xe mới bán ra tại Trung Quốc, và dẫn đầu doanh số phần lớn là các hãng nội địa, trong khi các công ty nước ngoài tụt lại phía sau. Các nhà sản xuất ô-tô điện Trung Quốc từ BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới - đến các công ty khởi nghiệp như Nio và Xpeng đang thống trị thị trường Trung Quốc đại lục, nơi doanh số bán ô-tô chạy bằng pin chiếm tới 60% tổng doanh số toàn cầu. Thực tế khắc nghiệt này khiến thương hiệu xe sang Porsche của Đức giảm khoảng 33% doanh số tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, trong khi Honda của Nhật Bản phải ngừng sản xuất tại 3 nhà máy và cắt giảm nhân sự.

Sự suy giảm đầu tư nước ngoài không chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp ô-tô. Walmart của Mỹ đã bán cổ phần của mình tại một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc với giá 3,6 tỷ USD, trong khi IBM đóng cửa các viện nghiên cứu tại nước này.

Chỉ là biến động ngắn hạn

Thực tế, sự rút lui của các công ty phương Tây khỏi Trung Quốc phản ánh thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường quá lớn nên nhiều công ty nước ngoài khó có thể bỏ qua, nếu nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng lên, nước này có thể một lần nữa trở thành ưu tiên đầu tư hàng đầu của các công ty đa quốc gia.

Gần đây, Global Times có bài bình luận đáng chú ý, trong đó nêu rõ thực trạng một số phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin thổi phồng tuyên bố “các nhà đầu tư nước ngoài rút số tiền kỷ lục khỏi Trung Quốc” dẫn đến sự hình thành một loạt nhận định về “nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ” vốn đã nhiều lần bị thực tế phủ nhận. Bloomberg trích dẫn một điểm dữ liệu duy nhất, nêu rằng các khoản nợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong cán cân thanh toán giảm gần 15 tỷ USD trong quý 2-2024, đánh dấu lần thứ hai con số này chuyển sang trạng thái âm. Song, điều này không phản ánh toàn bộ bức tranh kinh tế và sức hấp dẫn của nước này đối với giới đầu tư nước ngoài. Thực tế, dòng vốn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm lãi suất, thanh khoản quốc tế và lợi nhuận đầu tư. Sự suy giảm này chủ yếu là do các giao dịch tài chính của các doanh nghiệp đa quốc gia ở các nền kinh tế phát triển, trong đó FDI giảm 37% xuống còn 378 tỷ USD. Năm 2023, dòng vốn FDI toàn cầu giảm 2%, một phần là do căng thẳng thương mại và địa chính trị trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Tình hình chung của năm 2024 vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn những biến động ngắn hạn trong FDI của Trung Quốc là bình thường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn gặp những “con gió ngược”. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, tiềm năng và sức sống to lớn, và sức hấp dẫn lâu dài. Mặc dù FDI giảm trong những tháng gần đây nhưng nước này vẫn tiếp tục chứng kiến ​​mức tăng trưởng hai chữ số theo năm về số lượng các công ty mới thành lập có vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này.

Chính quyền Trung Quốc đã và đang tiếp tục tìm cách giữ chân nhà đầu tư và nỗ lực “ghi điểm” trong mắt các doanh nghiệp mới bằng cách giải quyết các rào cản về tài chính và thủ tục hành chính. Nước này cam kết thúc đẩy môi trường kinh doanh hạng nhất, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận thị trường và chia sẻ lợi nhuận phát triển của mình với toàn thế giới. Báo cáo Chỉ số niềm tin FDI năm 2024 của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney đã nâng hạng Trung Quốc từ thứ bảy lên thứ ba, sau Mỹ và Canada.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.