Trung Quốc tung thêm gói kích thích kinh tế lớn

.

Ngày 24-9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) công bố các biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và hỗ trợ thị trường bất động sản nhằm khôi phục nền kinh tế.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tức Ngân hàng Trung ương  Trung Quốc, tại Bắc Kinh.Ảnh: Reuters
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tại Bắc Kinh.Ảnh: Reuters

Đây là những biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản, áp lực giảm phát kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ.

Cải cách quyết liệt

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự đoán trong quý 2-2024. Theo Reuters, việc dữ liệu kinh tế tháng 8-2024 không đạt kỳ vọng làm tăng thêm tính cấp bách buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải khẩn trương triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ. Thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng sau Covid-19. Chính phủ Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm 2024, nhưng một số ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs, Nomura, UBS và Bank of America gần đây hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 24-9, AFP dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng cho biết, PBoC sẽ cắt giảm một loạt lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời cam kết thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và đầu tư. Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất chính sách, đồng thời hạ mức lãi suất chuẩn trên thị trường. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) sẽ được giảm 0,5% trong thời gian tới. Biện pháp này sẽ giúp bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 141,7 tỷ USD) vào thị trường tài chính, giúp tăng tính thanh khoản dài hạn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ giảm lãi suất các khoản vay thế chấp hiện tại và thống nhất tỷ lệ trả trước đối với các khoản vay thế chấp với người mua nhà.

PBoC cũng sẽ hướng dẫn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất của các khoản vay thế chấp hiện tại xuống gần mức lãi suất của các khoản vay mới phát hành. Quyết định này sẽ giúp ích cho 50 triệu hộ gia đình và 150 triệu người dân, giảm chi phí lãi vay hằng  năm của các hộ gia đình khoảng 150 tỷ nhân dân tệ, qua đó thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và đầu tư.

Trao đổi với SCMP, ông Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, công ty nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại Anh, nhận xét đây là gói kích thích đáng kể nhất kể từ đầu Covid-19. Tuy nhiên, điều này có thể vẫn chưa đủ, và sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế sẽ cần sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn thay vì chỉ sự gia tăng nhẹ trong chi tiêu của chính phủ như hiện tại.

Tiếp tục nới lỏng chính sách

Giá cổ phiếu tại Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) tăng mạnh sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp này. Giới phân tích nói với Bloomberg rằng các động thái này mạnh mẽ hơn dự đoán, khi quyết định cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng được thực hiện cùng lúc. Bà Becky Liu, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định với AFP: “Chúng tôi dự đoán sẽ có những biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn trong các quý tới”.

Ngành bất động sản và xây dựng đóng góp hơn 1/4 vào GDP của Trung Quốc, nhưng lĩnh vực này gặp khủng hoảng nghiêm trọng kể từ năm 2020 khi chính quyền thắt chặt việc cho vay, hạn chế khả năng vay vốn của các nhà phát triển bất động sản, với mục tiêu nhằm giảm bớt mức nợ đang ngày càng tăng cao trong lĩnh vực này. Kể từ đó, nhiều công ty lớn như China Evergrande và Country Garden lao đao, trong khi giá nhà đất giảm mạnh khiến người tiêu dùng không còn muốn đầu tư vào bất động sản. Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp để vực dậy lĩnh vực này, bao gồm cắt giảm số tiền trả trước tối thiểu cho người mua nhà lần đầu và đề xuất chính phủ có thể mua lại bất động sản thương mại.

Cùng với đó, theo chính phủ Trung Quốc, các chính quyền địa phương cũng đang phải gánh khoản nợ lên tới 5.600 tỷ USD. Theo AFP, ông Li Yunze, Giám đốc Cơ quan quản lý tài chính quốc gia, cho biết Bắc Kinh sẽ tích cực hợp tác để giải quyết rủi ro nợ trong lĩnh vực bất động sản và của chính quyền địa phương. Ông khẳng định: “Ngành tài chính Trung Quốc, đặc biệt là các tổ chức tài chính lớn, đang hoạt động ổn định và các rủi ro đều trong tầm kiểm soát. Chúng tôi sẽ kiên quyết giữ vững mục tiêu ngăn chặn các rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Giá dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều 24-9 do thông tin về chính sách kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Thị trường cũng lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ khu vực sản xuất quan trọng này, trong khi một cơn bão lớn đang có nguy cơ ảnh hưởng tới nước Mỹ, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Giá dầu Brent giao tháng 11-2024 tăng 1,14% lên 74,74 USD/thùng. Thị trường dầu mỏ đang trông chờ rất nhiều vào các biện pháp nới lỏng tiếp theo của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định, đà tăng giá dầu có khả năng không bền vững trong trung hạn, vì nhu cầu nội địa có thể tiếp tục yếu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.