Trong những năm gần đây, xã hội Hàn Quốc liên tiếp phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Cùng với cuộc khủng hoảng y tế chưa hồi kết thì nay ngành giáo dục cũng vấp phải nhiều khó khăn khi đội ngũ giáo viên bị khủng hoảng tinh thần.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Hàn Quốc cho biết, theo số liệu từ Bộ Giáo dục, từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nghỉ việc trước khi nghỉ hưu chính thức đã tăng lên tổng cộng là 32.704 người. Số lượng đơn từ nhiệm đã tăng đáng kể, từ 5.937 vào năm 2019 lên 7.404 vào năm 2023. Đồng thời, những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi - giáo viên có hơn 20 năm công tác được nghỉ hưu sớm, cũng tăng từ 5.242 vào năm 2021 lên 6.480 vào năm 2023.
Theo The Straits Times, tình trạng phổ biến trong những năm gần đây của giáo viên Hàn Quốc là luôn đối mặt với khủng hoảng tinh thần do bị học sinh hành hung, phụ huynh đe nẹt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên như The Straits Times lý giải là xuất phát từ luật phúc lợi trẻ em được thông qua năm 2014, trong đó quy định rộng rãi rằng “làm tổn hại đến sức khỏe hoặc phúc lợi của trẻ em, hoặc thực hiện hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần, hoặc các hành vi tàn ác sẽ cấu thành tội lạm dụng trẻ em…”. Đứng trước sự gia tăng các trường hợp bạo lực thể xác và tinh thần do phụ huynh và học sinh gây ra cho giáo viên, Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo hệ thống giáo dục của đất nước này có thể sụp đổ nếu tiếp tục chỉ nhấn mạnh đến quyền con người của học sinh mà bỏ bê các quyền và nghĩa vụ của giáo viên.
Phản ứng trước những diễn biến nói trên, đầu tháng 9-2024, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KFTA), khoảng 200.000 giáo viên từ khắp nơi trên đất nước tập trung tại Seoul, ngay phía trước tòa nhà Quốc hội nước này để biểu tình kêu gọi sửa đổi luật bảo vệ trẻ em năm 2014 và sớm có các luật mới để bảo vệ giáo viên. Đây là cuộc bãi công của giáo viên lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc. Theo Yonhap, bác sĩ Kim Hyun-soo, lãnh đạo Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc, cho biết: “Đây là tình huống nghiêm trọng mà các trường học đang phải đối mặt”. Trước đó, tháng 7-2024, bác sĩ Kim Hyun-soo cũng kêu gọi thành lập cơ chế hỗ trợ giáo viên và bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng.
Đi cùng với khủng hoảng tinh thần thì Yonhap dẫn kết quả cuộc khảo sát gần đây chia sẻ về những khó khăn lớn nhất của giáo viên Hàn Quốc hiện nay do KFTA thực hiện, cho biết, trong công việc, 31,7% số người được hỏi cho biết đó là việc giáo dục những học sinh quậy phá, tiếp theo là giải quyết khiếu nại và duy trì mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh (24%), sau cùng là việc phải xử lý quá nhiều công việc hành chính dường như không liên quan đến giáo dục (22,4%). Nhiều giáo viên còn phàn nàn xu hướng bị bí mật ghi âm đáng lo ngại, với 26,9% chia sẻ họ đã thấy học sinh hoặc phụ huynh ghi âm cuộc trao đổi với giáo viên. Lo ngại về khả năng kiện tụng, 62,7% số giáo viên được hỏi cho biết họ sẵn sàng mua thiết bị ghi âm cho riêng mình để phòng ngừa.
Trong khi đó, CNA cho biết, gần 90% số giáo viên ở độ tuổi 20 và 30 ở nước này đang cân nhắc bỏ nghề và đổi việc vì mức lương không đủ chi tiêu cho cuộc sống. Có khoảng 19,7% trong số hơn 11.000 giáo viên đang làm việc tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đại học tham gia khảo sát thừa nhận nếu có cơ hội làm lại từ đầu, họ sẽ chọn nghề khác.
Cuộc đình công của hàng vạn bác sĩ thực tập toàn quốc kéo dài hai năm qua đã làm cho các bệnh viện lớn trên cả nước phải ngưng trệ trong công tác chăm sóc bệnh nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn chưa lắng dịu thì đến nay ngành giáo dục Hàn Quốc lại lâm vào tình trạng chưa từng có đó khi giáo viên bị khủng hoảng tinh thần. Sự khủng hoảng của hai lĩnh vực quan trọng này đã và đang có tác động mạnh đến đời sống của người dân ở xứ sở Kim chi, nhất là ngành giáo dục đang bước vào năm học mới 2024-2025.
LÊ MINH HÙNG