BRICS và tầm nhìn trật tự toàn cầu mới

.

​​​​​​Với việc mở rộng thành viên, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang dần trở thành tập hợp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quy mô lớn nhất thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra tại thành phố Kazan (Nga).  Ảnh: Izvestia
Hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra tại thành phố Kazan (Nga). Ảnh: Izvestia

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố Kazan (Nga) từ ngày 22 đến 24-10 với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”.

Thông điệp gửi tới phương Tây

Izvestia dẫn thông tin từ Điện Kremlin cho biết, 36 phái đoàn từ các nước và 6 phái đoàn từ các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị này, trong đó, có 22 đoàn đại diện ở cấp cao nhất. Sự kiện quy tụ các đại diện từ hầu hết các châu lục và khu vực trên thế giới. Ngoài ra, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), đặc biệt là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, dự kiến tham dự. Điều này cho thấy sức hút của BRICS nổi lên như một cơ chế hợp tác đa phương có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề khu vực và quốc tế. Mặt khác, hội nghị như thông điệp mà nước chủ nhà Nga và các nước Nam bán cầu gửi tới phương Tây.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, các nước phương Tây không ngừng siết chặt cấm vận về kinh tế, cô lập về ngoại giao đối với Nga. Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 thể hiện sự công nhận của các nước này coi Nga là một đối tác quan trọng. Quy mô tổ chức, chương trình nghị sự của hội nghị cho thấy uy tín quốc tế của Nga là rất lớn, qua đó khẳng định chính sách cô lập Nga của các nước phương Tây thất bại.

Bên cạnh đó, hội nghị thảo luận về sự chuyển đổi của hệ thống tài chính quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng và mở rộng phương thức thanh toán bằng đồng nội tệ. Hiện tại, tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong thanh toán ở các quốc gia BRICS là 65%, trong khi tỷ trọng của đồng USD và đồng Euro giảm xuống còn 30% hoặc ít hơn.

Mặc dù vấn đề thống nhất một loại tiền tệ duy nhất cho BRICS vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự nhưng các thành viên của khối này đang nỗ lực tăng cường quyền tự chủ và chủ quyền tài chính của mình. Ngoài ra, nhóm đang phát triển các cơ chế thanh toán có thể bảo đảm hợp tác thương mại bền vững giữa các nước BRICS bất chấp tác động từ bên ngoài.

Vấn đề mở rộng nhóm

Vấn đề mở rộng BRICS dự kiến là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này khi khối đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ phía Nam bán cầu. Trước đó, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira cho biết, số quốc gia mong muốn gia nhập BRICS đã tăng lên 40 quốc gia.

Theo Gazeta, với các thành viên trải dài trên khắp các châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi và Trung Đông, BRICS có dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương hơn 40% dân số thế giới, đồng thời chiếm 36% GDP toàn cầu và 25% thương mại thế giới.

Các dự án kinh tế do BRICS triển khai cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, Ngân hàng Phát triển mới, do các nước BRICS thành lập vào năm 2014 với số vốn lên tới 100 tỷ USD, đã phê duyệt các khoản vay cho nhiều dự án khác nhau với tổng trị giá khoảng 32 tỷ USD và dự kiến tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2026.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Alexander Korolev, Khoa Kinh tế chính trị thế giới, Trường Kinh tế cao cấp (HSE) nhận định với Gazeta rằng, sự quan tâm của các nước đối với hoạt động của BRICS tăng lên, khối này sẽ ngày càng phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhất là trong việc tìm kiếm sự cân bằng nội bộ. BRICS không có tiêu chí thành viên cố định, nên việc mở rộng ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ khiến khối trở thành tổ chức các nước có vị thế và trình độ phát triển khác nhau. Điều này có thể cản trở BRICS trong hoạch định đường lối, định hướng phát triển của khối. Do đó, theo chuyên gia người Nga, cần có sự đánh giá mức độ sẵn sàng của BRICS đối với việc mở rộng số lượng thành viên từ quan điểm cơ cấu thể chế cho đến ảnh hưởng tới động lực của các quá trình hội nhập, kinh tế và chính trị của nhóm.

Hệ thống thanh toán mới BRICS Pay
Theo Reuters, Nga đã kêu gọi các đối tác tạo ra giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để chống lại áp lực chính trị từ các quốc gia phương Tây. Theo đó, hệ thống thanh toán mới BRICS Pay - hệ thống nhắn tin thanh toán phi tập trung, độc lập đang được các quốc gia BRICS phát triển, tương đương với SWIFT của châu Âu - đang thu hút sự chú ý. Hệ thống này được mô tả là “nền tảng tiềm năng cho các khoản thanh toán dành cho các quốc gia có chủ quyền và thịnh vượng”, qua đó tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước BRICS.

HÙNG LÂM

;
;
.
.
.
.
.