Bức tranh u ám về nợ công toàn cầu

.

Tổng nợ công toàn cầu sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mức 100.000 tỷ USD trong năm 2024 và có thể tiếp tục tăng nhanh hơn dự đoán do xu hướng chi tiêu công nhiều hơn trong khi tăng trưởng kinh tế chậm.

Nhiều nước có xu hướng chi tiêu ngày càng nhiều hơn.  TRONG ẢNH: Công trường xây dựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 12-10. Ảnh: AFP
Nhiều nước có xu hướng chi tiêu ngày càng nhiều hơn. TRONG ẢNH: Công trường xây dựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 12-10. Ảnh: AFP

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến công bố kỷ lục nói trên trong báo cáo giám sát tài chính ngày 23-10. Khối nợ khổng lồ này có thể gây ra nhiều sóng gió trên thị trường tài chính thế giới, đồng thời là hòn đá tảng cản bước các nước, nhất là nước nghèo trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Xu hướng ngày càng tăng

Bloomberg dẫn báo cáo của IMF đưa ra cảnh báo: nợ công toàn cầu sẽ đạt mức tương đương 93% GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 và gần 100% GDP toàn cầu vào năm 2030, vượt qua mức đỉnh điểm 99% GDP trong thời kỳ Covid-19. Con số này cũng cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Thậm chí, báo cáo cũng không loại trừ kịch bản cực đoan nhất khi nợ công toàn cầu đạt 115% chỉ trong 3 năm tới, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự kiến ​​hiện tại. Trước đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ công liên tục lập kỷ lục trong bối cảnh nợ toàn cầu đang tăng nhiều nhất, nhanh nhất và trên diện rộng nhất kể từ Thế chiến 2.

IMF dự báo, nợ công được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng ở một số nền kinh tế lớn. Đáng chú ý, Mỹ có thâm hụt ngân sách có khả năng vượt quá 6% GDP trong năm nay. Theo Forbes, nợ công của Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây khi vượt ngưỡng 34.000 tỷ USD đầu năm 2024. Nguyên nhân chính là các gói hỗ trợ trong Covid-19 cũng như những biện pháp kích thích kinh tế hậu đại dịch khiến lạm phát tăng vọt và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt. Nợ chính phủ cũng tăng ở các nước gồm Trung Quốc, Brazil, Pháp, Ý, Nam Phi và Anh... Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có thể phải mất từ 4 -7 năm tới để đưa nợ công vào quỹ đạo giảm bền vững.

Thể chế tài chính này lý giải, nợ công có thể tiếp tục tăng lên đáng kể do tăng trưởng kinh tế yếu, điều kiện tài chính thắt chặt, cùng với sự không chắc chắn ngày càng lớn về chính sách tài khóa và tiền tệ trong các nền kinh tế có tầm quan trọng như Mỹ và Trung Quốc, có thể tạo ra sự lan tỏa đáng kể dưới dạng chi phí đi vay cao hơn và rủi ro liên quan đến nợ ở các nền kinh tế khác. Nhiều nước có xu hướng chi tiêu ngày càng nhiều hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và thích ứng với khí hậu, giải quyết tình trạng già hóa dân số, tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh năng lượng do lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Một lý do khác khiến nợ công cao hơn đáng kể là sự tồn tại của một khoản nợ không xác định. Khảo sát của IMF cho thấy, tại hơn 30 quốc gia, có 40% nợ không xác định bắt nguồn từ các khoản nợ phải trả có điều kiện và rủi ro tài chính mà chính phủ phải đối mặt, trong đó phần lớn liên quan đến tổn thất tại các doanh nghiệp nhà nước, trung bình dao động từ 1 đến 1,5 % GDP và tăng mạnh trong thời kỳ căng thẳng tài chính.

Cần hành động quyết liệt hơn

Trước lo ngại mức nợ công toàn cầu liên tục lập lỷ lục​, trên trang web chính thức, IFM kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng thực hiện những điều chỉnh chính sách tài khóa lớn hơn nhiều so với hiện tại nhằm kiềm chế rủi ro nợ và giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội. Trong đó, có biện pháp bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, xây dựng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm nợ với xác suất cao; định hình các vùng đệm cho cú sốc tiếp theo có khả năng đến sớm.

Theo Politico, dựa trên dự báo các rủi ro cụ thể ở từng quốc gia, IMF ước tính, trên toàn cầu, các quốc gia cần thắt chặt chính sách tài khóa - nói cách khác là tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu - từ 3% đến 4,5% GDP trong trung hạn để có cơ hội tốt ổn định tỷ lệ nợ của mình. Cụ thể, một nền kinh tế trung bình cần phải thắt chặt tích lũy khoảng 3,8% GDP trong cùng kỳ để kiểm soát nợ công ổn định.

Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp tài khóa tập trung vào con người và duy trì tăng trưởng khác nhau ở các quốc gia. Cụ thể, các nền kinh tế tiên tiến nên thúc đẩy cải cách quyền lợi, ưu tiên lại chi tiêu và tăng doanh thu ở những nơi có mức thuế thấp.

Chẳng hạn, Mỹ và Anh có dư địa để tăng thu ngân sách từ thuế bởi các nước này có nguồn thu thuế còn tương đối thấp so với các nước giàu khác, nếu xét theo tỷ trọng so với sản lượng kinh tế.

Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển có tiềm năng lớn hơn trong việc huy động doanh thu thuế - bằng cách mở rộng cơ sở thuế và tăng cường năng lực quản lý doanh thu - đồng thời củng cố mạng lưới an toàn xã hội và bảo vệ đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Cần tăng cường đánh giá rủi ro tài chính, giám sát chặt chẽ các khoản nợ dự phòng trong các doanh nghiệp nhà nước và công bố số liệu thống kê nợ chi tiết và kịp thời có thể làm giảm nợ chưa xác định.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.