Ngày 28-10, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), cam kết cải tổ mạnh mẽ trong đảng sau khi liên minh cầm quyền mất thế đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện một ngày trước đó.
Japan Times dẫn lời ông Ishiba nhấn mạnh đảng cầm quyền phải “tái sinh,” đồng thời nghiêm túc xem xét kết quả cuộc bầu cử khó khăn này trong bối cảnh vụ bê bối gây quỹ chính trị của LDP đã làm xói mòn niềm tin của công chúng. Ông Ishiba tái khẳng định cam kết tiếp tục lãnh đạo chính phủ.
NHK ngày 28-10 đưa tin đảng LDP của Thủ tướng Ishiba và đối tác liên minh Komeito giành được 215 ghế tại Hạ viện. Con số này giảm so với 279 ghế mà họ nắm giữ trước đó, đánh dấu kết quả bầu cử tệ nhất của liên minh kể từ khi mất quyền lực trong thời gian ngắn vào năm 2009. Trong khi đó, đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính (CDPJ) giành được 148 ghế, tăng so với 98 ghế trước đó.
Để tự mình lãnh đạo, một đảng cần phải giành đa số với 233 ghế tại Hạ viện. Như vậy, trên thực tế liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo đã mất quyền kiểm soát Hạ viện, đánh dấu sự thất bại khắc nghiệt mà đảng này đã thống trị suốt 15 năm qua trên chính trường. Điều đó cũng cho thấy, Thủ tướng Ishiba đã quá tự tin về sự ủng hộ của cử tri đối với mình nên đánh cược chính trị và điều đó đã phản tác dụng. Ông và LDP đánh giá thấp mức độ tức giận của người dân và quan trọng hơn là ý chí hành động của họ trước thực tế của đất nước. Thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ LDP xuống dưới 20% vào đầu năm 2024. Do đó, giới quan sát từng cảnh báo quyết định tiến hành bầu cử Hạ viện ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo của ông Ishiba sẽ là bước đi không khôn ngoan và mang tính rủi ro rất cao. Và thực tế đã chứng minh thông qua cuộc bầu cử này. Phát biểu với NHK ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 27-10, Thủ tướng Ishiba thừa nhận: “Các cử tri đã đưa ra cho chúng tôi một phán quyết khắc nghiệt và chúng tôi phải khiêm tốn chấp nhận kết quả này”.
Theo nhận định của Kyodo News, với kết quả bầu cử này, ông Ishiba có thể phải lãnh đạo một chính phủ thiểu số, hoặc LDP sẽ phải thành lập liên minh với các đảng khác mà họ vừa cạnh tranh trong cuộc bầu cử và buộc phải làm như vậy. Điều đó có nghĩa LDP phải tham gia đàm phán và phải có những nhượng bộ cần thiết để tồn tại. Tuy nhiên, việc làm này thực tế rất hiếm khi xảy ra vì LDP luôn có một vị trí an toàn và ổn định trong nền chính trị Nhật Bản.
Kyodo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Nhật Bản và các quan chức liên minh cầm quyền đang có kế hoạch triệu tập một phiên họp Quốc hội đặc biệt để bầu thủ tướng vào ngày 11-11. Triển vọng sau bầu cử vẫn chưa chắc chắn, khi một số đảng đối lập lớn đạt được những thành tích đáng kể đã từ chối khả năng tham gia chính phủ với khối cầm quyền.
Theo NHK, những số liệu gần đây cho thấy bức tranh kinh tế Nhật Bản bước đầu đã khởi sắc sau một thời gian dài chìm trong gam màu u ám, với GDP từ tháng 3 đến 6-2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình, do nước này phải vật lộn với nạn lạm phát dai dẳng. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ishiba nêu rõ, ông sẽ yêu cầu chính phủ xây dựng gói biện pháp mới để phục hồi tiêu dùng vốn là chìa khóa để nước này thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trước tình hình chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đồng thời khẳng định kế thừa chiến lược tăng trưởng mà người tiền nhiệm Kishida Fumio từng theo đuổi.
Giới chuyên gia nhận định, để làm được điều này, tân Thủ tướng cần tiếp tục mạnh dạn thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nội bộ LDP trong thời gian tới. Nhiệm vụ này được nhận định vấp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh nội bộ đảng còn chia rẽ, vốn đã thể hiện rõ nét trong cuộc đua vào ghế chủ tịch đảng vừa qua với số lượng ứng cử viên nhiều nhất kể từ năm 1972. Thực tế, một khi nội bộ LDP vẫn còn nhiều bất đồng, kinh tế còn lạm phát kéo dài, lòng tin của cử tri trước các vụ bê bối bị đè nặng, sự thờ ơ của cử tri nhất là giới trẻ tăng cao và khiến tỷ lệ ủng hộ đảng LDP tiếp tục giảm.
LÊ MINH HÙNG