Đi tìm giải pháp ngăn suy giảm đa dạng sinh học

.

Trái đất đã đem đến cho nhân loại sự sống vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trên thực tế, cách thức mà con người khai thác, sử dụng đất, rừng, động thực vật và biển cả đã tiếp tay cho tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các vùng đất ngập nước và môi trường sống tự nhiên khác để phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đô thị hóa. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), kể từ năm 1990, có khoảng 420 triệu ha rừng toàn cầu bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với đó là tình trạng cháy rừng, săn bắn các loài động vật quý hiếm, sự khai thác các nguồn hải sản mang tính hủy diệt, sự tàn phá các rạn san hô… đã làm giảm đa dạng sinh học vô cùng nghiêm trọng.

Theo The Nature Conservancy, số lượng và phân bố của các loài đang giảm sút đáng kể. Cụ thể, báo cáo của Chương trình môi trường LHQ (UNEP) cho thấy, thế giới đang phải trải qua tổn thất lớn nhất với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Báo cáo của Tổ chức Hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London (Anh) công bố trong tháng 10-2024 cho biết, quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm trung bình 73% trong 50 năm. Báo cáo còn chỉ rõ khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận mức giảm trung bình 95% về số lượng động vật hoang dã.

Theo CNN, một số nhà khoa học thậm chí cho rằng, thế giới đang bước vào một sự kiện “tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu” và lần này do con người gây ra. Còn nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh Jane Goodall cảnh báo, không còn nhiều thời gian để thế giới đảo ngược xu hướng suy thoái và khẳng định: “Thời gian cho những lời nói và lời hứa hão huyền đã qua nếu chúng ta muốn cứu lấy hành tinh này”.

Nhằm tìm ra các giải pháp để ngăn suy giảm đa dạng sinh học, trong nhiều thập niên qua, LHQ đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh cấp khu vực và toàn cầu để thống nhất các mục tiêu và huy động nguồn lực để thực hiện. Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua Chiến lược đa dạng về sinh học của Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2030, với các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo đảm đến năm 2050, các hệ sinh thái trên thế giới sẽ được phục hồi và bảo vệ đầy đủ.

Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) ra đời năm 2023 để hỗ trợ các quốc gia đạt mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) được thông qua hồi năm 2022, trong đó đưa ra lộ trình đầy tham vọng để đạt tầm nhìn toàn cầu về thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. GBF đặt ra hàng loạt mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, trong số đó có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030 và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra.

Để đánh giá tình hình thực tế và thúc đẩy việc thực hiện các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học đã được đưa ra tại hội nghị Montreal năm 2022, tiếp tục tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, ngày 21-10, hội nghị Đa dạng sinh học lần thứ 16 (COP16) khai mạc tại Colombia, với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”. Reuters dẫn lời Tổng Thư ký LHQ António Guterres nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Guterres nhấn mạnh việc hủy hoại thiên nhiên sẽ làm gia tăng xung đột về tài nguyên, nạn đói và bệnh tật, gây ra nghèo đói và làm giảm GDP. Sự sụp đổ của các “dịch vụ” mà thiên nhiên ban tặng như cung cấp nước sạch và thúc đẩy sự thụ phấn không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD mỗi năm mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những người nghèo nhất trên hành tinh.

Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay thúc đẩy kế hoạch “đẩy lùi ngày tận thế đa dạng sinh học” bằng cách thúc đẩy các giải pháp sản xuất và tiêu dùng một cách bền vững. Các quốc gia cần tuân thủ các cam kết tài chính, tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ các nước đang phát triển.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.