Israel đang đối mặt làn sóng chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ và các nước đồng minh phương Tây sau khi ban hành lệnh cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ nước này.
Theo Reuters, ngày 28-10, Quốc hội Israel bỏ phiếu thông qua dự luật luật nói trên sau nhiều năm chỉ trích gay gắt UNRWA - cơ quan cung cấp viện trợ và hỗ trợ thiết yếu cho toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine và cho những người tị nạn Palestine suốt hơn 7 thập niên. Luật mới dự kiến dẫn đến việc đóng cửa trụ sở của UNRWA ở Đông Jerusalem và sẽ chặn đứng việc cung cấp viện trợ nhân đạo vào dải Gaza qua thành phố Rafah.
Israel cũng sẽ không cấp giấy phép nhập cảnh và giấy phép làm việc cho nhân viên UNRWA và ngăn cản việc phối hợp quân đội Israel để cấp phép vận chuyển viện trợ. Quyết định này xuất phát từ việc Israel lâu nay cáo buộc nhiều thành viên của UNRWA là người của Hamas hoặc các nhóm vũ trang phi nhà nước khác và họ có liên quan vụ tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023.
The Guardian nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng nghiêm trọng, quyết định của Israel là không thể chấp nhận được và phải đối mặt với sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Được biết, Gaza đang hứng chịu tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men trên diện rộng kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra.
The Guardian dẫn lời người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini lên án mạnh mẽ quyết định của Quốc hội Israel, cho rằng điều này đặt ra tiền lệ nguy hiểm, đi ngược Hiến chương LHQ và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của nhà nước Israel theo luật pháp quốc tế. Một quyết định như vậy rõ ràng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người Palestine, tước đi cơ hội được học hành của hơn 650.000 trẻ em. “Thật vô lý khi một quốc gia thành viên của LHQ lại tìm cách giải thể một cơ quan của LHQ, đồng thời cũng là đơn vị ứng phó lớn nhất trong hoạt động nhân đạo tại Gaza”, Juliette Touma, phát ngôn viên của UNRWA, nói với AFP.
Giới chức UNRWA cũng khẳng định, việc chấm dứt UNRWA sẽ không tước bỏ quy chế tị nạn của người Palestine, vốn được bảo vệ bởi một nghị quyết khác của Đại hội đồng LHQ, cho đến khi tìm ra giải pháp công bằng và lâu dài cho người Palestine. “Nếu những luật này không bị ngăn chặn, nó sẽ làm suy yếu cơ chế hợp tác đa phương chung được tạo ra sau Thế chiến 2”, The Guardian dẫn kết luận của ông Lazzarini.
Theo Al Jazeera, quan chức Trung Quốc tại LHQ cho biết, động thái mới của Israel là quyết định sai lầm; đồng thời khuyến nghị Israel nên cân nhắc lại. Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia cũng có bình luận tương tự khi cho biết quyết định của Israel sẽ chỉ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở Gaza. Không chỉ các nước lớn như Trung Quốc, Nga, quyết định của Israel còn vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia đồng minh ở phương Tây.
Theo Reuters, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, nước này đặc biệt quan ngại dự luật mới của Israel bởi nó có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA dành cho người dân Palestine trở nên bất khả thi, gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế, như cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây. Trong khi đó, theo nghĩa vụ quốc tế, Israel phải bảo đảm đủ viện trợ cho dân thường ở Gaza.
Đáng chú ý, theo CNN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington rất quan ngại và đã thúc giục Israel tạm dừng thực hiện luật mới bởi thực tế, luật pháp Mỹ cấm Washington cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia hạn chế viện trợ nhân đạo của Mỹ. Ông Miller nhấn mạnh, UNRWA có vai trò không thể thay thế trong việc cung cấp viện trợ cho Gaza.
Theo Izvestia, quyết định của Quốc hội Israel vô tình đẩy Mỹ vào thế khó xử. Nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, dự luật của Israel sẽ tác động tiêu cực đến cơ hội giành chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
HÙNG LÂM