Fed suy giảm ảnh hưởng toàn cầu

.

Cấu trúc của nền kinh tế thế giới đã thay đổi khi Mỹ và các đồng minh chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, đồng USD không còn giữ được vị thế mạnh như trước đây... Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến ảnh hưởng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) suy giảm trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, các thị trường chứng khoán khắp thế giới diễn biến theo “nhịp trống” của Phố Wall, còn ngân hàng trung ương các nước phải theo bước Fed. Fed có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ, giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế nước này và ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Quyết định của Fed ​​sẽ được cảm nhận trên toàn cầu do vị thế của Mỹ như nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong những quốc gia thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất. Những hành động của Fed không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn có tác động lan tỏa đến nhiều nơi khác trên thế giới.

Hiện nay, tình hình của các nền kinh tế lớn rất khác nhau. Mỹ phải hứng chịu tình trạng lạm phát ở mức cao hậu Covid-19 trong hai năm qua. Châu Âu cũng chịu sức ép tương tự và tình hình còn tồi tệ hơn do xung đột tại Ukraine khiến nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga bị cắt đứt. Ở Nhật Bản, lạm phát cao hơn là điều được mong đợi, khi là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế yếu kém của nước này có thể đang hồi phục. Ở Trung Quốc, vấn đề không phải là giá quá cao mà là quá thấp.

Kết quả là nhiều ngân hàng trung ương đang hành động với những tốc độ khác nhau, hoặc thậm chí theo những hướng khác nhau. Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh cũng như nhiều ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi bắt đầu hạ lãi suất trước Fed. Ngược lại, ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ đang âm thầm diễn ra của thị trường bất động sản và vực dậy thị trường chứng khoán.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đi ngược lại, không hạ mà tăng lãi suất. Khi các ngân hàng lựa chọn các con đường khác nhau, những điều kỳ lạ sẽ xảy ra. Chẳng hạn, đồng Yên của Nhật Bản sụt giảm trong nửa đầu năm, sau đó tăng vọt trong mùa hè, rồi lại lao dốc trước khả năng Fed và BoJ đi theo những hướng khác nhau.

Một nguyên nhân khác khiến Fed đang đối mặt với sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu là cấu trúc của nền kinh tế thế giới đã thay đổi. Mỹ và các đồng minh chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế. Năm 1990, Mỹ chiếm 21% GDP toàn cầu và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chiếm 50%. Năm 2024, các con số này lần lượt giảm xuống còn 15% và 30%.

USD là đồng tiền chủ yếu trong thương mại thế giới. Hầu như mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều dùng USD làm đơn vị thanh toán mà Fed là nơi duy nhất được quyền đưa ra các quyết định về tăng giảm lãi suất đồng USD. Mặc dù vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, nhưng đồng USD không còn giữ được vị thế mạnh như trước đây.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tỷ lệ của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu giảm từ 72% năm 2000 xuống còn 58% vào năm 2023. Số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (BoC) cho thấy nước này hiện thanh toán 1/4 các giao dịch thương mại bằng đồng Nhân dân tệ.

Không có gì ngạc nhiên khi sức hút của Mỹ đã giảm đi. Các nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang bắt đầu có ảnh hưởng lớn hơn. Trong những tháng tới, việc điều chỉnh tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed đóng vai trò quan trọng. Nhưng có thể, gói kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa hơn. Gói biện pháp mà Trung Quốc công bố vào cuối tháng 9-2024 sẽ bổ sung thêm khoảng 300 tỷ USD vào GDP toàn cầu trong năm tới và nhiều hơn nữa nếu Bộ Tài chính nước này thực hiện kích thích tài khóa.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.