Kỳ tích sinh tồn sau hơn 2 tháng trôi dạt trên biển

.

Một người đàn ông Nga sống sót kỳ diệu sau 67 ngày lênh đênh trên chiếc thuyền bơm hơi bị hỏng động cơ ở vùng biển Okhotsk đầy giông bão và lạnh giá.

Theo CBS News, Văn phòng công tố ở vùng Viễn Đông của Nga không nêu tên người sống sót, nhưng các bản tin trên truyền thông Nga xác định người này là Mikhail Pichugin (46 tuổi), người giàu kinh nghiệm đi biển. Ông đi cùng anh trai và cháu trai của mình trong chuyến thám hiểm ngắm cá voi trên vùng biển Okhotsk lạnh giá vào khoảng ngày 4-8 từ một mũi đất ở vùng Khabarovsk, hướng đến thị trấn Okha trên đảo Sakhalin. Sau đó, họ mất liên lạc và không xác định được vị trí sau khi lên đường trở về đảo Sakhalin vào ngày 9-8.

Lực lượng chức năng của Nga ngay lập tức tìm kiếm trong hơn một tháng và sau đó chấm dứt nhiệm vụ vì cho rằng không có cách nào để những người đàn ông này có thể sống sót ở vùng biển đầy giông bão; đồng thời suy đoán chiếc xuồng phao có khả năng đã bị nước cuốn về phía bán đảo Kamchatka. Tuy nhiên, phép màu xuất hiện vào ngày 14-10, khi một tàu đánh cá phát hiện thuyền chở Pichugin và thi thể của hai người đồng hành còn lại tại vị trí cách làng Ust-Khairyuzovo, trên bán đảo Kamchatka, khoảng 22km. Ước tính, con thuyền bé nhỏ này trôi dạt ít nhất 1.000km.

Theo Komsomolskaya Pravda, khi các ngư dân trên tàu đánh cá này phát hiện chiếc thuyền bơm hơi nhỏ trên radar, ban đầu họ cứ đinh ninh đó là chiếc phao hoặc mảnh rác. Tuy nhiên, sau đó họ bật đèn pha để quan sát kỹ hơn và không khỏi sốc khi nhìn thấy ông Pichugin. Đoạn video do giới chức công bố cho thấy ông Pichugin mặc áo phao và co ro trong tấm chăn đang kiệt sức, vẫy tay và hét to “Mau tới đây. Tôi không còn sức nữa!”, và được các ngư dân cứu giúp. Ông Pichugin đã buộc chiếc áo phao màu cam vào mạn thuyền với hy vọng giúp tăng cơ hội được chú ý.

Theo Telegram Baza, thuyền của anh em Pichugin bị hỏng động cơ khi đang trên đường trở về từ chuyến thăm quần đảo Shantar, khiến thuyền bị trôi dạt. Pichugin nói với các ngư dân rằng, sau khi cháu trai qua đời vào đầu tháng 9-2024, ông và anh trai Sergei tiếp tục trải qua 3 tuần trên thuyền. Không lâu sau đó, Sergei không may ngã xuống biển lạnh và không qua khỏi.

Các chuyên gia ca ngợi câu chuyện sống sót kỳ diệu này là điều ngoài sức tưởng tượng. Đó là sự kết hợp giữa may mắn và kỹ năng sinh tồn. New York Post dẫn lời Dmitry Lisitsyn, lãnh đạo Tổ chức Giám sát Môi trường Sakhalin, cho biết: “Có đến hai điều kỳ diệu trong câu chuyện này. Đầu tiên, chiếc thuyền bơm hơi nhỏ nhưng lại không bị lật trong mùa bão trên biển Okhotsk sau hơn 2 tháng trôi dạt.

Chiếc thuyền chắc chắn đã đối mặt vài trận bão mạnh và vẫn nổi được, thật đáng kinh ngạc. Thứ hai là vẫn có người còn sống. Việc hai người tử nạn rất đáng buồn, nhưng cũng dễ hiểu. Song, việc người thứ ba (Pichugin) có thể sống sót trên vùng biển lạnh giá, bão tố suốt trong thời gian dài quả thực là kỳ tích”. Được biết, biển Okhotsk chủ yếu được bao bọc bởi miền đông Siberia của Nga và bán đảo Kamchatka. Biển này thường đóng băng từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm, và là vùng biển lạnh nhất ở Đông Á, với những luồng gió mạnh. 

KP-Irkutsk dẫn lời vợ của người sống sót nói rằng: “Khi nhận thông báo có người còn sống, chúng tôi chờ đợi phép màu và điều đó cuối cùng đã xảy ra”. Cả 3 người đàn ông chỉ mang theo đủ thức ăn cho khoảng hai tuần trên biển, 20 lít nước uống, cùng quần áo ấm, áo phao, pháo sáng. Người phụ nữ này cho rằng, Pichugin nhiều khả năng sống sót nhờ năng lượng tích trữ trong cơ thể vốn nặng 100kg. Vào thời điểm được cứu, ông chỉ nặng khoảng 50kg - giảm một nửa trọng lượng cơ thể so với ban đầu. Theo Telegram Baza, Pichugin có thể đã ăn đậu khô và mì khô và điều quan trọng là hứng đủ lượng nước mưa để duy trì sự sống.

Sự sống sót kỳ diệu Pichugin khiến dư luận không khỏi liên tưởng đến câu chuyện tương tự xảy ra với thủy thủ Úc Tim Shaddock (51 tuổi) vào năm 2023. Người đàn ông này cũng sống sót sau hơn 2 tháng gặp nạn trên biển cùng chú chó của mình trên hành trình từ Mexico đến Polynesia thuộc Pháp, sinh tồn bằng ăn cá sống và uống nước mưa. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ Shaddock “may mắn” hơn khi là bị lạc ở vùng biển Thái Bình Dương với môi trường khí hậu ấm áp. Thực tế, nếu đó là môi trường lạnh giá như biển Okhotsk thì không thể tồn tại lâu như vậy được.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.