Cuộc xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah đang đẩy Lebanon lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực. Đâu là nguyên nhân để quốc gia này phải thường xuyên hứng chịu những hậu quả nặng nề đó kéo dài suốt nhiều thập niên qua?
Trên cổng thông tin News.Az ngày 15-10, Tiến sĩ Khoa học chính trị Moses Becker cho rằng, bất chấp quy mô nhỏ bé và hạn chế tài nguyên thiên nhiên, nhưng với vị trí địa lý đặc biệt giáp ranh với Israel và Syria, cùng với lịch sử đầy phức tạp và luôn biến động, nên từ lâu Lebanon đã trở thành trung tâm tranh chấp quyền lực của các nước lớn tại Trung Đông.
Năm 1943, Hiệp ước Quốc gia được ký kết, phân chia quyền lực dựa trên nguyên tắc tôn giáo, trong đó người Hồi giáo dòng Sunni và Cơ đốc giáo Maronite chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hệ thống này tạo bất bình đẳng trong quyền đại diện, khiến các nhóm khác như người Hồi giáo dòng Shiite và Druze bị gạt ra khỏi trung tâm quyền lực. Cuộc nội chiến Lebanon (1975-1989) đánh dấu bước ngoặt trong nền chính trị nước này, khi sự cân bằng quyền lực thay đổi.
Các cộng đồng người Shiite và Druze bắt đầu gia tăng ảnh hưởng. Đặc biệt, người Shiite tăng cường sức mạnh, tạo cơ hội cho Hezbollah, phong trào vũ trang người Shiite nổi lên vào năm 1982, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh. Hezbollah về danh nghĩa là thế lực chính trị hợp hiến, hợp pháp của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon. Cánh vũ trang của nhóm này hoạt động tách biệt khỏi cơ cấu quân đội Lebanon (LAF) và được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, nằm trong “trục kháng chiến” chống Israel được Tehran hậu thuẫn.
Trong khi đó, tình hình kinh tế của Lebanon thường xuyên rơi vào suy thoái với khủng hoảng tài chính, lạm phát cao và mất giá đồng nội tệ. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân mà còn đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước.
Trên bình diện chính trị, Lebanon không chỉ diễn ra các mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn sắc tộc kéo dài mà nó còn biến thành “sân chơi” cho các cường quốc khu vực để tranh giành ảnh hưởng. Đặc biệt, Hezbollah không chỉ được Iran hỗ trợ về tài chính và quân sự mà còn nhận sự huấn luyện từ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tạo ra một “nhà nước trong nhà nước” với sức mạnh quân sự vượt trội so với quân đội Lebanon. Trong khi đó, Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác cũng tìm cách khống chế Iran mở rộng tầm ảnh hưởng. Điều này làm tăng căng thẳng và phân cực sâu sắc trong nền chính trị Lebanon, khiến việc giải quyết các vấn đề nội bộ lại càng trở nên khó khăn, phức tạp.
Mặt khác, để đối phó với ảnh hưởng của Hezbollah, theo Viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS), LAF phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài để hiện đại hóa trang thiết bị. Lebanon không có ngành quốc phòng đủ mạnh và Mỹ là bên tài trợ chủ lực cho an ninh của Lebanon. Từ năm 2006, Mỹ cung cấp hơn 5,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho Lebanon, trong đó hơn 3 tỷ USD để tăng cường sức mạnh cho LAF.
Theo The National, trong cuộc xung đột đang leo thang nghiêm trọng giữa Israel và Hezbollah, vai trò của quân đội Lebanon trở nên vô cùng phức tạp do những ràng buộc chính trị và năng lực thực tế bị hạn chế. Dù về mặt kỹ thuật, Lebanon và Israel ở trong tình trạng chiến tranh từ khi nhà nước Israel thành lập vào năm 1948, nhưng LAF hầu hết đều đứng ngoài các cuộc đụng độ lớn, nhất là giữa Hezbollah với Israel trước đây cũng như hiện nay. Trong bài phân tích của Euronews và L’Orient Today số ra mới đây cho biết, những thế lực chính trị khác ở Lebanon cũng không quá đau đầu nếu Hezbollah thất bại. Nhưng họ hiểu có những “lằn ranh đỏ” không được vượt qua. Đó là lý do vì sao LAF không cản trở Hezbollah, nhưng cũng không hậu thuẫn lực lượng này trong cuộc đối đầu với Israel.
Nếu Gaza là tâm điểm của cuộc xung đột để giành quyền hình thành nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Do Thái, thì Lebanon lại là “sân chơi” cho các cường quốc trong khu vực. Vì thế, “bàn cờ” Trung Đông hiện đang hỗn loạn và khó đoán định, khi nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên có liên quan tiếp tục diễn ra đan xen với những cuộc tấn công mang tính tàn phá ngày càng trở nên khốc liệt, đẩy hàng triệu người dân vô tội tới cảnh thương vong, đói khát.
LÊ MINH HÙNG