Mỹ siết chặt quy định đầu tư công nghệ vào Trung Quốc

.

Chính phủ Mỹ vừa công bố bộ quy định cuối cùng nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư của nước này vào một số ngành công nghệ quan trọng tại Trung Quốc.

Các kỹ thuật viên làm việc trên công cụ quang khắc bán dẫn, một lợi thế quan trọng trong cuộc đua chip của Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc. Ảnh: ASML
Các kỹ thuật viên làm việc trên công cụ quang khắc bán dẫn, một lợi thế quan trọng trong cuộc đua chip của Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc. Ảnh: ASML

Các quy tắc mới có hiệu lực từ ngày 2-1-2025, sau hơn một năm nghiên cứu với quá trình tham vấn rộng rãi các bên liên quan, thành viên Quốc hội, giới công nghiệp, các đồng minh và đối tác nước ngoài của Mỹ.

Tập trung 3 lĩnh vực chính

Theo Reuters, các quy định mới nhằm thực thi sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 8-2023, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống AI vốn là những công nghệ cốt lõi cho thế hệ tiếp theo của các ứng dụng quân sự, an ninh mạng, giám sát và tình báo, theo đánh giá Bộ Tài chính Mỹ.

Trong trao đổi với Reuters, ông Paul Rosen, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách an ninh đầu tư, nói rõ rằng AI, bán dẫn và công nghệ lượng tử là nền tảng để phát triển thế hệ tiếp theo của các ứng dụng quân sự, giám sát, tình báo và an ninh mạng như hệ thống máy tính phá mã tiên tiến hoặc máy bay chiến đấu thế hệ mới. Thực tế, các khoản đầu tư của Mỹ, bao gồm các lợi ích vô hình như hỗ trợ quản lý và tiếp cận các mạng lưới đầu tư và nhân tài, thường đi kèm với các dòng vốn đầu tư như vậy.

Quy định mới cấm công dân Mỹ tham gia một số giao dịch liên quan các công nghệ và sản phẩm được xác định gây mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời yêu cầu công dân Mỹ phải thông báo cho Bộ Tài chính Mỹ về các giao dịch khác liên quan đến công nghệ và sản phẩm có thể gây lo ngại về an ninh. Đơn cử, cá nhân và doanh nghiệp Mỹ không được tham gia đầu tư vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn tiên tiến, nhưng chỉ cần thông báo về hoạt động đầu tư vào sản xuất và phát triển con chip đời cũ - loại được dùng phổ biến trong thiết bị điện tử.

Đáng chú ý, có quy định xung quanh các khoản đầu tư AI phụ thuộc vào cả sức mạnh tính toán được sử dụng để đào tạo hệ thống AI đang được đề cập cũng như mục đích sử dụng của nó. Các cá nhân và công ty Mỹ cũng không được phép mua cổ phần trong các công ty AI của Trung Quốc tập trung vào các ứng dụng quân sự; đầu tư vào các mô hình AI có các ứng dụng khác có thể phải chịu lệnh cấm hoặc yêu cầu thông báo.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, vẫn có các miễn trừ đối với một số dòng vốn đầu tư nhất định, gồm giao dịch chứng khoán công khai và một số khoản đầu tư của đối tác hạn chế. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người Mỹ tham gia vào 17% các giao dịch đầu tư toàn cầu với các công ty AI của Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2021. Trong số đó, cứ 9/10 giao dịch ở giai đoạn đầu tư mạo hiểm.

Phản ứng của Trung Quốc

Ở chiều ngược lại, tại cuộc họp báo thường kỳ gần đây ở Bắc Kinh, Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, nước này kiên quyết phản đối các quy định mới của Mỹ, đồng thời đã đệ đơn khiếu nại ngoại giao đến Washington và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các biện pháp hạn chế thương mại gần đây của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo Global Times, ông Zhang Shaogang, Phó Chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT), ngày 28-10 cho biết, các biện pháp này là hành động đơn phương rõ ràng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mai thế giới (WTO), tác động tiêu cực đến hợp tác công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.

CCPIT kêu gọi Mỹ, EU và các bên liên quan khác tôn trọng các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh công bằng, chấm dứt các hành động sai lầm và thực hiện các bước duy trì hệ thống thương mại toàn cầu đa phương, trong đó lấy WTO làm trung tâm. Giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại là điều cần thiết để đạt lợi ích chung và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây không chỉ là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc mà còn là lời kêu gọi chung của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Theo Global Times, thực tế cho thấy, mặc dù các chính sách của Washington tác động đến các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, các công ty Mỹ vẫn không nản lòng trong việc theo đuổi phát triển hơn nữa tại thị trường quốc gia ở châu Á này. Hiện tượng này không chỉ phản ánh sự tự tin và cách tiếp cận thực dụng của các doanh nghiệp Mỹ đối với Trung Quốc mà còn làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các công ty này và Nhà Trắng về chính sách đối với Trung Quốc. Bất kể chiến lược mới Mỹ ra sao, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường thị trường cởi mở, toàn diện và minh bạch hơn, cung cấp cho các công ty nước ngoài cơ hội kinh doanh ổn định; đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư toàn cầu.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.