Lần đầu tiên trong 130 năm, ngọn núi Phú Sĩ mang tính biểu tượng của Nhật Bản vẫn chưa có tuyết dù tháng 11-2024 cận kề. Tình trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với một trong những địa danh được yêu thích nhất của đất nước mặt trời mọc.
Thông thường, núi Phú Sĩ cao 3.776m thường được phủ tuyết vào đầu tháng 10 hằng năm, đơn cử ngày 5-10-2023, nhưng tính đến thời điểm này, đỉnh núi vẫn trơ trọi, đánh dấu thời điểm đón tuyết muộn nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1894. Việc đỉnh núi vẫn chưa có tuyết tính đến ngày 29-10 phá kỷ lục trước đó là ngày 26-10 thiết lập vào năm 1955 và 2016.
AFP dẫn lời ông Yutaka Katsuta, chuyên gia khí tượng tại Văn phòng Khí tượng địa phương Kofu, cơ quan thông báo đợt tuyết rơi đầu tiên trên núi Phú Sĩ hằng năm, giải thích: “Vì nhiệt độ cao ở Nhật Bản vẫn tiếp diễn từ mùa hè nên ngăn chặn không khí lạnh mang theo tuyết”. CNN dẫn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central, năm 2024, Nhật Bản ghi nhận mùa hè nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1898. Cuộc khủng hoảng khí hậu khiến nguy cơ Nhật Bản ấm bất thường vào tháng 10-2024 cao lên gấp 3 lần.
Sự vắng bóng của tuyết làm dấy lên mối lo ngại bởi nó có thể gây ra những tác động sâu rộng, đặc biệt là đối với ngành du lịch bởi núi Phú Sĩ - di sản văn hóa thế giới - là điểm thu hút độc đáo đối với du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây thường phủ đầy tuyết trong hầu hết thời gian trong năm cho đến khi mùa leo núi bắt đầu vào tháng 7 hằng năm, chào đón hàng triệu du khách háo hức leo lên đỉnh núi hoặc ngắm bình minh từ sườn núi. Trung bình, có hơn 220.000 du khách leo núi từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm.
Tuy nhiên, năm nay có ít người hơn sau khi Nhật Bản áp dụng mức phí leo núi và giới hạn số lượng người leo núi hằng ngày để chống lại tình trạng du lịch quá mức, bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh của ngọn núi và tăng cường an toàn cho du khách. Hiện, mỗi ngày có tối đa 4.000 người được leo núi, và mỗi người phải trả 2.000 yên (12,40 USD).
Khi núi Phú Sĩ phải đối mặt cả áp lực về môi trường và du lịch, tình trạng không có tuyết lúc này càng nhấn mạnh nhu cầu quản lý bền vững kỳ quan thiên nhiên này. Nếu mùa đông ấm hơn vẫn tiếp diễn, điều này có thể làm thay đổi sức hấp dẫn theo mùa của ngọn núi, không chỉ ảnh hưởng đến du lịch mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương ở các khu vực xung quanh phụ thuộc vào lượng du khách theo mùa.
Theo CNN, những gì đang xảy ra với núi Phú Sĩ là một phần của xu hướng lớn hơn về thực trạng các lớp tuyết tích tụ trên khắp Bắc bán cầu đang giảm mạnh trong 40 năm qua do nhiệt độ tăng cao. Tuyết rơi muộn hơn trên các đỉnh núi như Phú Sĩ có thể báo hiệu tương lai ấm hơn, mùa đông ngắn hơn, không chỉ tác động đến du lịch mà còn đối với các nguồn tài nguyên quan trọng như nguồn cung cấp nước, ảnh hưởng việc cung cấp độ ẩm cần thiết cho đất và nông nghiệp, đặt ra thách thức cho hệ sinh thái phụ thuộc vào kiểu thời tiết mùa đông. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ theo mùa có thể phá vỡ hệ động thực vật địa phương, tác động đến đa dạng sinh học ở các khu vực xung quanh núi.
Đối với Nhật Bản, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết khi các mô hình thời tiết theo mùa đang thay đổi và quốc gia này phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Các sáng kiến nhằm giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy tính bền vững là một phần của giải pháp. Hơn nữa, nhận thức về tác động của du lịch đối với các địa điểm tự nhiên như núi Phú Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng trải nghiệm của du khách với việc quản lý môi trường. Đây là những điều cần thiết để bảo tồn vẻ đẹp và khả năng phục hồi những danh thắng này cho các thế hệ tương lai.
Câu chuyện tháng 10 không có tuyết ở Phú Sĩ chỉ là một trong những hiện tượng hiếm có do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước đó, sa mạc Sahara, một trong những nơi khô cằn nhất thế giới, bị ngập lụt sau khi hứng chịu trận lũ lụt đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
THƯ LÊ