Tại sao giá vàng thế giới đạt mức cao kỷ lục?

.

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới trong ngày 18-10. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất, những bất định xung quanh cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, các ngân hàng trung ương của các nước mua vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD là những động lực chính đẩy giá vàng tăng.

Rạng sáng 18-10, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,7% lên 2.690,60 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,6% lên 2.707,5 USD/ounce. Tại châu Á, giá vàng đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại 2.704,89 USD/ounce, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CNN, các ngân hàng trung ương coi vàng là kho lưu trữ giá trị dài hạn và là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế và chính trị quốc tế bất ổn. Vàng được coi là khoản đầu tư bền vững. Khi lãi suất giảm, giá vàng có xu hướng tăng, vì vàng thỏi hấp dẫn hơn các tài sản trả thu nhập như trái phiếu. Các nhà đầu tư cũng coi vàng là biện pháp phòng ngừa lạm phát, cho rằng vàng thỏi sẽ giữ nguyên giá trị khi giá tăng.

Theo Reuters, tính đến tháng 3-2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua vàng trong tháng thứ 17 liên tiếp, tăng thêm 160.000 ounce, đưa mức dự trữ lên 72,74 triệu ounce. Theo nghiên cứu của Capital Economics, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm đến vàng như tài sản thay thế trong bối cảnh giá bất động sản và giá cổ phiếu suy thoái trong những năm qua.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng dự trữ vàng. Theo Ulf Lindahl, Tổng giám đốc điều hành của Currency Research Associates, các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng là dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc ngày càng giảm vào đồng USD. Theo ông Lindahl, đồng USD ngày càng trở nên không hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Mỹ.

Theo một nghiên cứu của JP Morgan vào tháng 3-2024, các quốc gia không liên minh với Mỹ có thể tích trữ vàng để “tránh xa USD” nhằm giảm thiểu rủi ro trước các lệnh trừng phạt. Theo JP Morgan, vàng đang bước vào kỷ nguyên mạnh mẽ vì lượng vàng mà ngân hàng trung ương mua vào năm 2022 cao gấp đôi so với lượng mua trung bình hằng năm trong thập kỷ trước.

Một yếu tố khác thúc đẩy giá vàng là giá dầu. Theo nghiên cứu của UBS, giá dầu cao hơn làm dấy lên lo ngại về lạm phát, thúc đẩy giá vàng cũng tăng theo. Ngoài ra, kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 11-2024 vẫn là động lực chính thúc đẩy tâm lý lạc quan đối với vàng. Không chỉ Fed mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo ra môi trường thuận lợi cho vàng.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tiếp tục “nóng” ở Trung Đông cũng khuyến khích giới đầu tư nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Thị trường đang lo lắng về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Ngoài ra, mối lo ngại về xung đột kéo dài ở Ukraine đã làm nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn.

Theo Reuters, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường vàng thế giới cũng đang quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Kết quả các cuộc khảo sát mới đây cho thấy cuộc chạy đua giữa hai ứng viên tổng thống đang rất căng thẳng, chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ rất thấp ở thời điểm chỉ còn ba tuần nữa cuộc bầu cử sẽ chính thức kết thúc.

Theo quan điểm của phần lớn chuyên gia kinh tế, chính sách thương mại của ông Donald Trump nếu ông trở thành Tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cho đồng USD bởi thuế nhập khẩu cao sẽ ngăn cản hoạt động giao dịch loại tiền này liên biên giới, đẩy cao lạm phát và lãi suất. Kịch bản ông Trump thành Tổng thống Mỹ như vậy sẽ ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng. Giá vàng thế giới thường tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị, tuy nhiên sẽ giảm khi đồng USD mạnh và lãi suất cao.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.