Hai phi hành gia cùng sinh năm 1990 sẽ thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tháng trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, đánh dấu bước tiến mới trong chương trình không gian có người lái của nước này. Đây là những phi hành gia trẻ tuổi nhất từ trước đến nay của Trung Quốc trong các sứ mệnh không gian.
Các phi hành gia Trung Quốc trong cuộc gặp gỡ báo chí trước sứ mệnh Thần Châu 19 tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tây bắc Trung Quốc ngày 29-10. Ảnh: AP |
Sáng 30-10 (giờ Bắc Kinh), tàu Thần Châu 19 được phóng thành công từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Trung Quốc), theo AFP.
Thế hệ nhà khoa học vũ trụ mới
Đáng chú ý nhất trong phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu 19 là Vương Hạo Trạch (34 tuổi), nữ kỹ sư hàng không vũ trụ duy nhất của Trung Quốc. Chị Vương trở thành người phụ nữ thứ ba của Trung Quốc bay vào vũ trụ, theo South China Morning Post (SCMP). Trước khi trở thành phi hành gia, chị từng là kỹ sư cấp cao tại Viện Công nghệ động cơ đẩy chất lỏng Hàng không vũ trụ (AALPT) thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, nơi chị tham gia thiết kế động cơ tên lửa hạt nhân.
“Giống như mọi người, tôi mơ ước được đến thăm “dinh thự” trong không gian của chúng tôi và trải nghiệm niềm vui của việc lơ lửng trong môi trường không trọng lượng. Tôi muốn hoàn thành tỉ mỉ từng nhiệm vụ và bảo vệ ngôi nhà trong không gian của chúng tôi”, AFP dẫn chia sẻ của chị Vương ngày 29-10.
Cùng với Vương Hạo Trạch còn có một phi hành gia bằng tuổi trong đoàn là anh Tống Lệnh Đông. Theo Tân Hoa xã, anh Tống từng là phi công không quân trước khi được chọn làm phi hành gia. Anh tự tin chia sẻ rằng nhóm của anh đã trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt trên Trái đất và sẽ hợp tác nhịp nhàng với nhau trong các nhiệm vụ trên quỹ đạo.
Đội trưởng phi hành đoàn lần này là ông Thái Tự Triết (48 tuổi), người tham gia sứ mệnh Thần Châu 14 năm 2022. Ông Thái chia sẻ với Tân Hoa xã: “Từ một phi hành gia lần đầu trong phi hành đoàn Thần Châu 14 đến vị trí người chỉ huy của Thần Châu 19, tôi cảm thấy tự hào và có trách nhiệm lớn hơn”. Ông cũng cam kết cùng đồng đội làm hết sức để nâng cao chất lượng hoạt động và khả năng ứng phó khẩn cấp.
Nhiệm vụ đầy thách thức
Theo Reuters, phi hành đoàn Thần Châu 19 sẽ ở lại trạm Thiên Cung trong khoảng 6 tháng và dự kiến trở về Trái đất vào khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5-2025. Trong thời gian này, họ sẽ thực hiện 86 thí nghiệm khoa học và công nghệ vũ trụ trong các lĩnh vực như khoa học sự sống vũ trụ, vật lý vi trọng lượng, vật liệu, y học, và các công nghệ mới.
Một trong những thí nghiệm đáng chú ý nhất là việc thử nghiệm các viên gạch được làm từ đất trên Mặt trăng mô phỏng trong môi trường không gian. Các viên gạch này sẽ được gửi lên trong một chuyến bay không người lái vào tháng tới. Nếu thành công, đây có thể là vật liệu xây dựng chính cho trạm nghiên cứu cố định trên Mặt trăng mà Trung Quốc dự định hoàn thành vào năm 2035 vì việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ Trái đất lên Mặt trăng sẽ tốn kém rất nhiều.
Theo Tân Hoa xã, nhiệm vụ này là một phần trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc trong việc đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030. Ông Lâm Hy Cường, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, cho biết, thế hệ phi hành gia thứ tư của nước này đang được đào tạo với nhiều kỹ năng mới, bao gồm điều khiển xe thăm dò Mặt trăng, nhận dạng thiên thể, khảo sát địa chất và đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng.
Tham vọng không gian của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất. Theo The Wall Street Journal, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong cuộc gặp với các đại diện của sứ mệnh thăm dò Mặt trăng gần đây nhất tại Bắc Kinh vào tháng 9-2024, đã khen ngợi chương trình và kêu gọi các nhà khoa học đẩy nhanh tốc độ để đưa đất nước thành cường quốc vũ trụ.
Các chuyên gia phương Tây nhận định, Trung Quốc đang ngày càng tự tin hơn trong lĩnh vực không gian, bắt nguồn từ nhiều năm kinh nghiệm và tiến bộ công nghệ, cũng như niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
The Wall Street Journal dẫn lời ông Lý Anh Lương, quan chức trong chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, khẳng định: “Trong lĩnh vực bay không gian có người lái, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã đạt đến trình độ tiên tiến theo tiêu chuẩn toàn cầu”.
Sứ mệnh Thần Châu 19 là minh chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ. Với thế hệ phi hành gia trẻ, được đào tạo bài bản như Vương Hạo Trạch và Tống Lệnh Đông, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, giấc mơ chinh phục không gian của Trung Quốc đang dần trở thành hiện thực. Trung Quốc dự định duy trì trạm Thiên Cung (lớn bằng 20% trạm vũ trụ quốc tế - ISS) có người ở liên tục và hoạt động ít nhất một thập kỷ. Họ cũng muốn mở rộng trạm với các module mới để phục vụ hoạt động thương mại.
TRẦN ĐẮC LUÂN