Các công dân Nga được cho là có thể đã có mặt trên chiếc máy bay vận tải Il-76 vừa bị bắn rơi tại khu vực Dafur đang xảy ra xung đột ở Sudan.
Theo hãng tin Reuters, ngày 21-10, Đại sứ quán Nga tại Sudan cho biết đang điều tra các thông tin trong vụ máy bay chở hàng với các thành viên phi hành đoàn người Nga có thể đã bị bắn hạ ở phía Tây đất nước châu Phi này. Theo cơ quan ngoại giao Nga, chiếc máy bay có thể đã bị Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bắn rơi. Đây là một trong hai phe phái đang tranh giành quyền lực ở Sudan. Đại sứ quán Nga đang phối hợp với chính quyền Sudan để thu thập thêm thông tin và xác định số phận những người trên máy bay. Theo đại sứ quán Nga, tình hình tìm hiểu cũng đang rất phức tạp do địa điểm máy bay rơi ở Darfur.
Video hiện trường vụ máy bay bị bắn rơi tại Sudan (nguồn: X/Sudan News):
Kể từ năm 2023, xung đột đã nổ ra tại Dafur giữa hai phe phái là Hội đồng Chủ quyền Sudan và lực lượng dân quân Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). RSF đã hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Khartoum vào đầu tháng này và khẳng định mục tiêu là giành chiến thắng trên chiến trường.
Các bức ảnh và video được đăng trên mạng xã hội X từ địa điểm máy bay rơi cho thấy các mảnh vỡ của chiếc máy bay vận tải Il-76 và một hộ chiếu Nga. Một bài đăng khác cho thấy thẻ căn cước công ty của Tập đoàn Vận tải Hàng không FZE, có trụ sở tại UAE, được cấp cho một người có tên nghe giống tiếng Nga. Thẻ cũng ghi “Sân bay quốc tế Manas” ở Kyrgyzstan.
Theo tờ Sudan War Monitor, một tài liệu khác được lấy tại hiện trường vụ tai nạn là sổ hướng dẫn an toàn của New Way Cargo Airlines, một hãng hàng không của Kyrgyzstan.
Trong một bài đăng kèm theo video trên mạng xã hội, Ali 'Savannah' Rizkallah, chỉ huy RSF ở Bắc Darfur, cho biết lực lượng của ông đã sử dụng "tên lửa dẫn đường" để hạ gục một chiếc máy bay "Antonov của Ai Cập". Tuy nhiên, chiếc máy bay được đề cập dường như là một chiếc vận tải Ilyushin. Trước đó, thủ lĩnh RSF Mohammed Hamdan Daglo đã cáo buộc Ai Cập ném bom lực lượng của ông thay cho chính quyền Khartoum.
RSF đã nổi dậy chống lại Hội đồng Chủ quyền, do Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, vào tháng 4-2023. Theo một báo cáo gần đây từ phái đoàn Liên hợp quốc, cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thương vong và gần 10 triệu người phải di tản tại quốc gia có khoảng 47 triệu dân này. Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại tình hình nhân đạo ở Sudan là một trong những tình hình nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Theo baotintuc.vn