Vòng tuần hoàn nước toàn cầu mất cân bằng

.

Vòng tuần hoàn nước toàn cầu lần đầu tiên mất cân bằng trong lịch sử loài người, đe dọa một nửa sản lượng lương thực của hành tinh trong thời gian tới.

Lòng sông khô cạn trong đợt hạn hán ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) năm 2022.  Ảnh: Reuters
Lòng sông khô cạn trong đợt hạn hán ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) năm 2022. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mang tính bước ngoặt do Ủy ban Kinh tế Nước toàn cầu (GCEW), nhóm các nhà lãnh đạo và chuyên gia quốc tế, công bố ngày 16-10, nhân loại đã làm mất cân bằng chu trình thủy văn toàn cầu, gây ra thảm họa nước ngày càng nghiêm trọng, tàn phá nền kinh tế, sản xuất lương thực và cuộc sống nhân loại.

Những con số đáng lo

CNN dẫn báo cáo nói trên cho biết, sự gián đoạn vòng tuần hoàn nước đã gây ra tác động nghiêm trọng. Gần 3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước; mỗi ngày có tới 1.000 trẻ em tử vong do không được tiếp cận nước sạch; hạn hán ngày càng nghiêm trọng và các thành phố đang bị sụt lún do nguồn nước ngầm đang vơi dần. Thực trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu.

Báo cáo cũng phát hiện cuộc khủng hoảng nước đe dọa hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu và có nguy cơ làm giảm trung bình 8% GDP của các quốc gia vào năm 2050, con số này có thể lên tới 15% ​​ở các quốc gia có thu nhập thấp. Cuộc khủng hoảng sẽ trở nên cấp bách hơn do nhu cầu rất lớn về nước. Dự báo, nhu cầu nước ngọt sẽ vượt quá nguồn cung 40% vào cuối thập niên này do các hệ thống nước đang phải chịu áp lực chưa từng có.

CNN dẫn lời ông Johan Rockström, đồng Chủ tịch GCEW và là tác giả của báo cáo, cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta đang đẩy vòng tuần hoàn nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng. Không còn có thể trông cậy vào lượng mưa từ khí quyển-nguồn gốc của hầu hết các nguồn nước ngọt”. Richard Allan, Giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Anh) nhận định, báo cáo “vẽ” bức tranh ảm đạm về sự gián đoạn do con người gây ra đối với vòng tuần hoàn nước toàn cầu, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất để duy trì sinh kế của nhân loại.

Theo các chuyên gia, hàng thập niên sử dụng đất đai và quản lý nước kém, cùng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang tạo áp lực chưa từng có lên chu trình thủy văn toàn cầu. Hoạt động của con người đang làm thay đổi cấu trúc đất đai và không khí bên trên, làm ấm khí hậu, làm gia tăng cả điều kiện cực đoan như ẩm ướt và khô hạn,  khiến các kiểu gió cũng như lượng mưa trở nên mất cân bằng.

Thúc đẩy hợp tác quản lý tài nguyên nước

Cuộc khủng hoảng nguồn nước hiện nay chỉ có thể được giải quyết thông qua hành động khẩn cấp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cứu các hệ sinh thái cung cấp nước ngọt và cắt giảm đáng kể ô nhiễm làm nóng hành tinh. Các tác giả của báo cáo cho biết chính phủ các nước trên thế giới phải công nhận vòng tuần hoàn nước là “lợi ích chung” và cùng chung tay giải quyết.

The Guardian dẫn lời ông Tharman Shanmugaratnam, Tổng thống Singapore và là đồng Chủ tịch GCEW, nhấn mạnh tiến trình đạt Hiệp ước Nước toàn cầu có thể mất nhiều năm nhưng cần khởi động ngay từ bây giờ. Các quốc gia phải bắt đầu hợp tác về quản lý tài nguyên nước trước khi quá muộn. Thực tế, các quốc gia phụ thuộc vào nhau, không chỉ thông qua các hồ và sông trải dài qua biên giới, mà còn vì nguồn nước trong khí quyển có thể “di chuyển” ra xa hơn - nghĩa là quyết định được đưa ra ở một quốc gia có thể làm gián đoạn lượng mưa ở quốc gia khác.

Một số quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn những quốc gia khác từ “nước xanh lá cây”, tức là độ ẩm của đất cần thiết cho sản xuất lương thực, trái ngược với “nước xanh da trời” từ sông và hồ. Báo cáo phát hiện ra rằng nước di chuyển khắp thế giới theo “sông khí quyển” vận chuyển độ ẩm từ vùng này sang vùng khác. Khoảng một nửa lượng mưa trên đất liền của thế giới đến từ thảm thực vật khỏe mạnh trong các hệ sinh thái đưa hơi nước trở lại khí quyển. Trung Quốc và Nga là những nước hưởng lợi chính từ các hệ thống “sông khí quyển” này, trong khi Ấn Độ và Brazil là những nước “xuất khẩu” chính, vì khối đất của họ hỗ trợ “dòng nước xanh lá cây” chảy đến các khu vực khác. Từ 40% đến 60% nguồn nước ngọt từ lượng mưa được tạo ra từ việc sử dụng đất lân cận.

Giới quan sát kêu gọi điều chỉnh lại cơ bản vị trí, vai trò của nước trong nền kinh tế, bao gồm cả việc ngăn chặn tình trạng lãng phí và xu hướng trồng các loại cây trồng và cơ sở vật chất cần nhiều nước ở các khu vực thiếu nước. “Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi kinh tế tài nguyên nước”, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới, trao đổi với CNN. Việc định giá đúng giá trị của nước là điều cần thiết để nhận ra sự khan hiếm của nguồn tài nguyên này  và nhiều lợi ích mà nó mang lại.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.