Bầu cử tổng thống Mỹ:

Cuộc đua định hình tương lai

.

Chiều qua (5-11, giờ Việt Nam), cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới. Tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào lá phiếu cử tri khi họ có quyền quyết định ủng hộ một nước Mỹ lần đầu tiên được dẫn dắt bởi một phụ nữ, Phó Tổng thống Kamala Harris, hay sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump.

Cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cử sớm ở bang Michigan. Ảnh: AFP
Cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu cử sớm ở bang Michigan. Ảnh: AFP

Nước Mỹ trước những thay đổi lớn

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump và bà Harris thể hiện tầm nhìn khác biệt rõ ràng, đặc biệt về vấn đề đối nội và đối ngoại. Theo CNN, nếu bà Harris chiến thắng, đây sẽ là tin vui đối với tầng lớp trung lưu Mỹ bởi lẽ bà hướng đến “nền kinh tế cơ hội”, thúc đẩy phát triển nhà ở; cắt giảm thuế cho gia đình có thu nhập thấp và trung bình, giảm thuế cho các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp nhỏ.

Điểm khác biệt ở chỗ bà Harris chủ trương tăng thuế đối với doanh nghiệp lớn và người giàu có trong khi ông Trump hứa hẹn mở rộng cắt giảm thuế, đặc biệt giảm thuế doanh nghiệp. Về thương mại, bà Harris dự kiến duy trì chính sách thuế quan hạn chế xuất khẩu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong nước với hàng Trung Quốc. Ông Trump sẽ ủng hộ biện pháp thuế quan leo thang, trong đó áp thuế 20% cho mọi hàng hóa nhập khẩu. Theo giới phân tích, kế hoạch thuế của cả hai đều sẽ dẫn tới tăng thâm hụt ngân sách, song kế hoạch của ông Trump có thể gây thâm hụt lớn hơn và lạm phát cao hơn.

Về vấn đề nhập cư, hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp đang thấp thỏm lo âu về tương lai bất an nếu ông Trump đắc cử bởi ông cứng rắn cam kết tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử đối với người nhập cư không có giấy tờ. Trong khi đó, bà Harris có quan điểm mềm mỏng, dung hòa hơn khi kêu gọi cải cách toàn diện chính sách nhập cư, gồm xây dựng lộ trình cho phép người nhập cư trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp.

Về đối ngoại, ông Trump tiếp tục thể hiện rõ quan điểm “nước Mỹ trên hết”, có chiều hướng “co mình” trở lại và thái độ “có qua có lại” với các đối tác, thậm chí đồng minh lâu đời nên sẵn sàng bẻ gãy các thỏa thuận quốc tế, rút khỏi các cơ chế đa phương. Đáng chú ý, ông cũng xem quan hệ với các nước đồng minh và NATO là “quan hệ dịch vụ”, trả tiền để được hưởng. Trong khi đó, bà Harris sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ chế song phương và đa phương, tăng cường hợp tác với mạng lưới đồng minh, đồng thời cũng mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược; tiếp nối hỗ trợ Ukraine và gia tăng lệnh trừng phạt Nga.

Những kịch bản sau ngày 5-11 

Ngày 5-11 là ngày cử tri chính thức bỏ phiếu, song cuộc bầu cử thực tế bắt đầu từ nhiều ngày trước, khi cử tri có thể bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua thư. Ngoài đi bỏ phiếu trực tiếp, cử tri ở hầu hết bang Mỹ cũng có thể bỏ phiếu vắng mặt. Trong trường hợp, cả hai ứng viên đều không giành được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri để chiến thắng, Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội sẽ can thiệp và đóng vai trò quyết định. Theo đó, Hạ viện mới sẽ bầu tổng thống, còn Thượng viện có vai trò chọn ra phó tổng thống tiếp theo, theo AFP. Song, đây là khả năng ít xảy ra nhất.

Theo truyền thông Mỹ, chỉ vài giờ sau khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên kết thúc vào lúc 19 giờ ngày 5-11 theo giờ miền Đông (7 giờ ngày 6-11, giờ Việt Nam), những con số đầu tiên sẽ bắt đầu lộ diện. Trong cuộc đua sít sao giữa hai ứng cử viên, việc kiểm phiếu có thể tiếp tục sau đêm bầu cử và chúng ta có thể không biết người chiến thắng trong vài ngày tiếp theo.

Bất kể rồi đây ông Trump hay bà Harris đắc cử thì nước Mỹ có thể đứng trước nguy cơ bất ổn. Tất cả thăm dò đều cho thấy đây sẽ là cuộc bầu cử rất sít sao. Nếu ông Trump có vẻ như sẽ thua sít sao vì một hoặc hai tiểu bang dao động chống lại ông, ông sẽ làm mọi cách có thể để gieo rắc sự ngờ vực, trì hoãn việc bà Harris được tuyên bố là người chiến thắng và cuối cùng có thể là lật ngược thất bại của ông tại các cuộc thăm dò. Đó là lý do tại sao những người trong cuộc lo ngại nguy cơ “cuộc bầu cử kiện tụng” lặp lại. Cả hai bên đều đang tập hợp sẵn đội ngũ pháp lý hùng hậu. Sự phân cực dữ dội có nghĩa là gần một nửa số cử tri Mỹ có thể sẽ không hài lòng với kết quả bầu cử khi ứng cử viên ưa thích của họ thua cuộc.

 Cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử
Theo U.S News & World Report, nước Mỹ tốn gần 16 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm 2024. Đây là con số khủng nếu so sánh với tổng tuyển cử năm 2021 của nước láng giềng Canada (chỉ 69 triệu USD). Một phần câu trả lời nằm ở quy mô. Mỹ là nước có diện tích lớn và việc tiếp cận cử tri ở các thị trường truyền thông đắt đỏ luôn tốn kém. Một lý do lớn khác là vì chiến dịch gây quỹ tranh cử ít bị áp hạn chế. Ngày càng có nhiều chiến dịch tranh cử được tài trợ bởi một số ít người siêu giàu như tỷ phú Elon Musk, người gần đây gây chú ý khi tuyên bố trao 1 triệu USD/ngày cho cử tri ngẫu nhiên ủng hộ đảng Cộng hòa.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.