Hơn 50 quốc gia đã ký cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường, đánh dấu thành tựu lớn tại hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan.
Lần đầu tiên ngành du lịch được đưa vào chương trình hành động của hội nghị COP. Ảnh: Reuters |
Thành tựu lớn tại COP29
Đây cột mốc quan trọng tại COP29 khi lần đầu tiên lĩnh vực du lịch, động lực kinh tế quan trọng, được đưa vào chương trình hành động của hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ) về khí hậu và thu hút sự quan tâm, cam kết hành động của nhiều quốc gia. Việc chính thức thừa nhận vai trò quan trọng của du lịch trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ tạo ra tiền lệ lâu dài cho các cuộc thảo luận COP trong tương lai. Điều này khẳng định, ngoài vai trò là huyết mạch kinh tế cho cộng đồng và xã hội, du lịch còn có vị thế độc đáo để trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững.
Reuters dẫn lời Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho biết, ngành du lịch chiếm 3% GDP toàn cầu với vai trò động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mang lại sinh kế trực tiếp và gián tiếp cho hàng trăm triệu người toàn cầu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học mới nhất, ngành này lại phát thải gần 9% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, gây áp lực lên các hệ sinh thái, trong khi bản thân ngành này cũng rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, mất đa dạng sinh học và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các vụ cháy rừng kinh hoàng vào mùa hè năm 2023 ở Hawaii (Mỹ), Ý và Hy Lạp càng nêu bật mối liên hệ ngày càng trở nên rõ ràng hơn giữa các điểm đến du lịch nổi tiếng và tác động của các cuộc khủng hoảng khí hậu.
Do đó, sáng kiến về du lịch tại COP29 lần này thúc đẩy các bên liên quan tăng cường đổi mới sáng tạo và hợp tác về cách thức chuyển đổi du lịch thành một ngành ít carbon, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, đóng góp vào phát triển kinh tế bảo tồn di sản thiên nhiên, phù hợp với các mục tiêu khí hậu để bảo đảm tính bền vững toàn cầu.
Tuyên bố COP29 về tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong du lịch được khởi xướng thông qua quan hệ đối tác với Tổ chức Du lịch thế giới (UN Tourism), đóng vai trò là khuôn khổ chiến lược để liên kết ngành du lịch với các chương trình nghị sự về khí hậu quốc gia và toàn cầu, bao gồm cả đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những sáng kiến nổi bật
Đáng chú ý, theo Reuters, các cam kết tại COP29 còn đi kèm với một số sáng kiến khác. Điển hình như sáng kiến của Liên minh khách sạn bền vững thế giới (WSHA), đại diện cho 55.000 khách sạn với hơn 7 triệu phòng gồm những tên tuổi lớn như Accor, Hilton và Marriott. WSHA chia sẻ khung hành động của họ nhằm đo lường và báo cáo dữ liệu gồm lượng khí thải nhà kính, mức tiêu thụ nước, chất thải và mức sử dụng năng lượng trên toàn ngành.
Theo The Morung Express, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Julia Simpson, cho biết, WTTC đã phát động phiên bản thứ hai của Lộ trình phát thải ròng bằng 0 mang tính đột phá cho ngành du lịch và lữ hành. Số lượng các doanh nghiệp du lịch và lữ hành toàn cầu đặt ra mục tiêu về khí hậu đã tăng 27% trong 3 năm qua, với hơn một nửa trong số đó đang tích cực cam kết giảm phát thải. Đáng chú ý, số lượng các công ty áp dụng Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) về đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nghiêm ngặt đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021, báo hiệu nỗ lực tăng tốc của ngành này để phù hợp với các tiêu chuẩn khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đang triển khai các khu vực phát thải thấp để giải quyết ô nhiễm. Đơn cử, đến năm 2030, chỉ những ô-tô chạy bằng điện hoặc nhiên liệu hydro mới được phép vào Paris. Đây là thành phố đầu tiên ở Pháp áp dụng khái niệm này. Nhận thức của cộng đồng về du lịch xanh cũng đang chuyển biến tích cực khi báo cáo xu hướng du lịch toàn cầu cho thấy có gần 78% số người được hỏi mong muốn tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng mà họ đến thăm. Nghiên cứu về tính bền vững toàn cầu năm 2023 lưu ý rằng 43% người tiêu dùng sẽ từ chối mua hàng từ các công ty không hành động theo cách có trách nhiệm với xã hội hoặc môi trường.
AP cho biết, các chuyên gia tại QR Code Generator gần đây phân tích dữ liệu tìm kiếm toàn cầu của Google và chỉ ra 10 thành phố du lịch hàng đầu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe du khách. Nghiên cứu cho thấy, những thành phố nghỉ dưỡng thu hút càng nhiều khách du lịch trên thế giới, thì càng có chất lượng không khí tồi tệ. Đứng đầu danh sách là Paris (Pháp) khi nhận được trung bình 185.633 lượt tìm kiếm điểm nghỉ ngơi trong thành phố mỗi tháng, trong khi giao thông đi lại khiến mức độ ô nhiễm trong khu vực cực kỳ nghiêm trọng. Mới đây, theo ANI, gần 400 chuyến bay bị hoãn, đền Taj Mahal - kỳ quan thế giới ở Ấn Độ bị che phủ nhiều ngày vì khói bụi ô nhiễm, khiến du khách và người dân nước này khó chịu. |
THƯ LÊ