Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) đang trở thành điểm tựa kinh tế quan trọng trong bối cảnh lo ngại tác động từ chính sách thương mại thời Trump 2.0 sắp tới. Thời gian qua, một số quốc gia Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm lớn hơn về việc gia nhập khối này.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga vào tháng 10-2024. Ảnh: Bernama |
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga) vào tháng 10-2024, các quốc gia ở Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, cùng một số quốc gia khác được công nhận là đối tác của khối này. BRICS hiện chiếm hơn 28.500 tỷ USD, tương đương 28% nền kinh tế toàn cầu.
CNA dẫn lời các chuyên gia nhận định, thế giới có thể trải qua giai đoạn rất khó khăn trong các mối quan hệ kinh tế toàn cầu với nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Donald Trump, người sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng lần thứ hai vào tháng 1-2025. Do đó, sức mạnh kinh tế và tiềm năng to lớn khiến BRICS trở thành điểm tựa kinh tế quan trọng, đặc biệt đối với một số nước ở châu Á, trong bối cảnh Mỹ có khả năng thực hiện các chính sách kinh tế bảo hộ trong nhiệm kỳ Trump 2.0.
Theo Reuters, lo ngại về kế hoạch áp thuế mạnh lên hàng ngoại nhập của ông Trump ngày càng hiện rõ khi ông từng tuyên bố sẽ áp thuế tới 60% với hàng hóa Trung Quốc và ít nhất 10% với các nước khác.
Nhận định về việc một số nước Đông Nam Á bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, AP dẫn lời ông Jamil Ghani, nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cho rằng nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể khiến một số quốc gia Đông Nam Á tăng cường gắn kết với BRICS nhằm đối phó với những bất ổn từ chính sách kinh tế của Mỹ.
Đáng chú ý, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã công khai ý định trở thành thành viên chính thức của BRICS. Theo Tiến sĩ Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, ba quốc gia này nhận thấy các lợi ích kinh tế và địa chính trị khi tham gia sâu hơn vào khối. Điều đó cho thấy họ thoải mái với hướng đi mà BRICS đang hướng tới và thấy được lợi thế kinh tế và địa chính trị khi trở thành thành viên chính thức.
Ngân hàng NDB của BRICS thành lập năm 2015, cung cấp nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững. Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể coi đây là giải pháp thay thế quan trọng cho cơ sở hạ tầng và tài trợ phát triển, điều này rất quan trọng đối với chương trình nghị sự tăng trưởng của mỗi nước. Ngoài ra, Sàn giao dịch ngũ cốc BRICS được Nga đề xuất và triển khai từ năm 2024, cũng mang lại lợi ích tiềm năng. Các quốc gia Đông Nam Á, vốn là những nhà sản xuất nông nghiệp lớn, có thể sử dụng nền tảng này để giảm sự biến động giá và đa dạng hóa kênh xuất khẩu.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thể hiện sự hào hứng gia nhập BRICS bởi điều này phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại “cân bằng” giữa các cường quốc. Tương tự, Indonesia muốn khẳng định vị thế của mình. “Chúng tôi muốn tham gia nhiều khối kinh tế khác nhau vì muốn tìm kiếm những cơ hội tốt nhất cho nền kinh tế của chính mình”, Tổng thống Prabowo Subianto nói với giới truyền thông địa phương trong chuyến thăm Washington vào ngày 14-11.
Ông Trump, với chính sách bảo hộ thương mại, từng rút khỏi các hiệp định thương mại đa phương. Việc áp thuế nhập khẩu cao có thể khiến các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á như tại Thái Lan bị gián đoạn. Điều này thúc đẩy quốc gia này tìm đến BRICS như giải pháp thay thế ổn định về lâu dài.
CNA dẫn lời ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật pháp (CELIOS) tại Indonesia chỉ ra rằng, hầu hết các quốc gia ASEAN đều coi Trung Quốc và Ấn Độ, những nền kinh tế chủ chốt trong BRICS, là những thị trường truyền thống tiềm năng. Lâu nay, họ chịu ảnh hưởng của hợp tác về đầu tư, thương mại và tài trợ cơ sở hạ tầng từ những nước lớn này.
Tuy nhiên, có thể thấy, trong số các nước được công nhận là đối tác của BRICS, không phải tất cả đều thúc đẩy việc trở thành thành viên chính thức. Điều này phản ánh sự kết hợp giữa các mục tiêu quốc gia riêng lẻ và lợi ích khu vực. Singapore chưa có ý định gia nhập BRICS do lo ngại trùng lặp các thỏa thuận song phương và đa phương với Trung Quốc và các quốc gia BRICS khác.
Nhận định về tương lai của BRICS tại Đông Nam Á, Tiến sĩ Ian Storey, thành viên Viện ISEAS-Yusof Ishak(Singapore), nhấn mạnh, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng trong chính sách đối ngoại. Do đó, BRICS, với mục tiêu tái định hình trật tự thế giới, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng các giá trị truyền thống của mỗi thành viên là điểm cộng lớn và sẽ là một lựa chọn tiềm năng cho một số quốc gia trong khu vực khi đối mặt với những thay đổi địa chính trị hiện nay.
Nỗi lo về hàng rào thuế quan gia tăng Việc BRICS ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nước châu Á diễn ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo thuế quan trả đũa có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế châu Á, làm tăng chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng, dù khu vực này vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. “Thuế quan trả đũa đe dọa gián đoạn triển vọng tăng trưởng trên toàn khu vực (châu Á), khiến chuỗi cung ứng bị kéo dài và kém hiệu quả hơn”, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF ông Krishna Srinivasan phát biểu ngày 19-11 tại diễn đàn ở Philippines, theo Reuters. |
THƯ LÊ