Thổ Nhĩ Kỳ đã trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ) bức thư có chữ ký của 54 quốc gia và tổ chức, kêu gọi áp đặt cấm vận vũ khí với Israel vì cho rằng đây sẽ là giải pháp hiệu quả để chấm dứt hoạt động quân sự của Israel gây thương vong lớn ở dải Gaza.
Người biểu tình kêu gọi Mỹ dừng cung cấp viện trợ cho Israel tại Union Park (Mỹ). Ảnh: AP |
Nga, Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia, Brazil và Algeria nằm trong số 52 quốc gia ký thư kiến nghị, cùng hai tổ chức liên chính phủ là Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. “Chúng tôi đã viết thư kêu gọi tất cả quốc gia ngừng bán vũ khí và đạn dược cho Israel. Chúng tôi đã chuyển thư với chữ ký của 54 quốc gia và tổ chức tới LHQ cách đây hai ngày”, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết trong cuộc họp báo ngày 3-11 tại Djibouti, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác châu Phi.
Trước đó, theo Anadolu, phát biểu tại một cuộc tranh luận mở về tình hình ở Trung Đông, bao gồm cả vấn đề Palestine vào cuối tháng 10-2024, Đại diện thường trực mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại LHQ Ahmet Yıldız nhấn mạnh rằng Israel đã đẩy khu vực này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện. Ông nhấn mạnh các bước đi ngay lập tức để dừng việc cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị liên quan cho Israel trong mọi trường hợp có lý do chính đáng để nghi ngờ rằng chúng có thể được sử dụng ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem, theo quy định trong Nghị quyết ES-10/24 của Đại hội đồngLHQ ngày 18-9. Điều này rất cần thiết để chấm dứt tình trạng chiếm đóng bất hợp pháp của Israel, ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo đối với dân thường ở Gaza và phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cũng như ở Lebanon, và ngăn chặn tình trạng leo thang trong khu vực.
Ngày 2-11, văn phòng truyền thông chính phủ tại Gaza đưa tin, lực lượng chiếm đóng Israel đã ném bom và phá hủy 254 đơn vị nhà ở tại Gaza trong vòng 48 giờ. Israel đã sử dụng vũ khí bị cấm trên thế giới trong các cuộc tấn công bừa bãi của họ từ máy bay chiến đấu và xe tăng. Họ cũng đặt các thùng thuốc nổ giữa các ngôi nhà dân sự và kích nổ từ xa, bất chấp mọi cân nhắc về mặt pháp lý hoặc nhân đạo.
Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện vai trò tích cực trong việc lên án các hoạt động quân sự mạnh tay của Chính phủ Israel, cũng như nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tình trạng bất ổn ở Trung Đông. Ngày 18-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong cuộc gặp với các Ngoại trưởng Nga, Iran, Azerbaijan và Armenia ở Istanbul, tuyên bố về sự cần thiết của LHQ trong việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel.
Tiếp đó, ngày 24-10, bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước thành viên và đối tác của BRICS ủng hộ ý tưởng của Ankara về việc cấm vận vũ khí đối với Israel. Đáng chú ý, tháng 5-2024, Tổng thống Erdogan ra lệnh cấm giao thương với Israel, chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước. Động thái được cho là nhằm “nắn gân”, thể hiện phản ứng gay gắt của Ankara đối với các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, cũng như Lebanon.
Giới phân tích nhận định, bức thư kèm theo chữ ký của 54 quốc gia và tổ chức nói trên phản ánh thực tế là cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm lo ngại cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Trung Đông hiện nay. Theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn 1 năm qua (kể từ tháng 10-2023), các cuộc tấn công của Israel buộc gần 2 triệu người Palestine ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Hơn nữa, gần như toàn bộ người dân mất nhà cửa vẫn bị mắc kẹt ở đây, không thể rời khỏi vùng chiến sự do Israel đóng cửa biên giới và không kích liên tục.
Theo Reuters, tình hình ở Gaza khác hẳn với các cuộc khủng hoảng di cư trước đây tại Trung Đông, ngay cả so với cuộc nội chiến ở Syria. Điều này xuất phát từ việc Israel tiếp tục hạn chế viện trợ cho người dân, trong khi nhân viên cứu trợ phải tìm cách cung cấp số hàng tiếp tế ít ỏi trong bối cảnh các cuộc không kích diễn ra liên tục. Cuối tháng 10-2024, Quốc hội Israel thông qua dự luật cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ nước này. Trong diễn biến mới nhất, theo The Hindu, ngày 4-11, Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này đã cắt quan hệ với UNRWA.
Rõ ràng, các động thái quân sự của Israel đang vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, trong đó ngay cả một số đồng minh phương Tây của nước này cũng khó có thể chấp nhận. Theo Reuters, một số đồng minh của Israel cũng đề xuất hạn chế cung cấp vũ khí cho quốc gia này. Tháng 10-2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố lệnh cấm vận vũ khí là cách duy nhất để chấm dứt xung đột Gaza. Thủ tướng Anh Keir Starmer ra lệnh dừng chuyển giao một số vũ khí cho Israel vì lo ngại chúng được sử dụng trong các hành động được xem là tội ác chiến tranh, song không kêu gọi cấm vận hoàn toàn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói sẽ đình chỉ khoảng 30 giấy phép vận chuyển vũ khí tới Israel, tuyên bố Ottawa không cho phép vũ khí được đưa tới Gaza.
HÙNG LÂM