Nga mở rộng phạm vi răn đe hạt nhân

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của nước này, mở rộng phạm vi răn đe và các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.

RS-24 Yars, dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa được Nga phát triển trong những năm đầu thế kỷ 21, được trang bị đầu đạn nhiệt hạch và công nghệ MIRV (nhiều đầu đạn độc lập nhắm mục tiêu riêng biệt).  Ảnh: Russia Today
RS-24 Yars, dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa được Nga phát triển trong những năm đầu thế kỷ 21, được trang bị đầu đạn nhiệt hạch và công nghệ MIRV (nhiều đầu đạn độc lập nhắm mục tiêu riêng biệt). Ảnh: Russia Today

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, làm leo thang căng thẳng trong xung đột.

“Hy vọng phương Tây đọc kỹ”

Theo TASS, tài liệu chính thức được công bố ngày 19-11 nêu rõ sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga nhắm đến “các đối thủ tiềm năng,” bao gồm cả những quốc gia đơn lẻ hoặc các liên minh quân sự (khối, liên hiệp) sở hữu vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc lực lượng thông thường có năng lực chiến đấu đáng kể.

Nga cũng sẽ thực hiện răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cho phép sử dụng lãnh thổ, vùng biển, không phận và các nguồn lực của họ để tấn công Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh “kẻ thù tiềm năng phải hiểu về tính tất yếu của sự trả đũa” đối với bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga và đồng minh của nước này.

Một điểm mới quan trọng trong học thuyết là Nga sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân nhưng được sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân là một cuộc tấn công chung vào Nga. TASS dẫn lời ông Peskov: “Đây là một điểm rất quan trọng. Nếu một quốc gia tấn công đất nước chúng tôi bằng vũ khí thông thường nhưng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ coi đó là một cuộc tấn công chung vào đất nước chúng tôi với những hậu quả tương ứng”.

Việc sửa đổi học thuyết hạt nhân là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại, theo ông Peskov. Ông nhấn mạnh Nga luôn duy trì lập trường có trách nhiệm và thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự xấu đi của quan hệ quốc tế. Dù vậy ông vẫn khẳng định vũ khí hạt nhân được Nga coi là phương sách cuối cùng.

Trao đổi với TASS, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ hy vọng phương Tây sẽ đọc kỹ toàn bộ học thuyết hạt nhân sửa đổi vừa được phê chuẩn của Nga. Ông nói: “Chúng tôi đã chính thức công bố những nguyên tắc nền tảng của học thuyết hạt nhân. Tất cả đã được xác nhận rõ ràng. Những gì tổng thống tuyên bố công khai cách đây khoảng một tháng giờ đây đã được luật hóa. Tôi hy vọng họ sẽ đọc và hiểu đầy đủ học thuyết này, chứ không chỉ chọn lọc những gì phù hợp với lợi ích của mình, mà là phải hiểu toàn bộ học thuyết trong sự liên kết và tổng thể của nó”.

Phản ứng với leo thang từ phương Tây

Thời điểm Nga ban hành học thuyết hạt nhân sửa đổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo thông tin đăng tải ngày 17-11 trên The New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Thông tin này sau đó được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Brian Nichols xác nhận. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng cho biết một số nước thuộc Liên minh châu Âu đã cho phép sử dụng vũ khí của họ để tấn công sâu vào Nga.

Về tác động của học thuyết mới này đối với tình hình hiện tại, Thượng nghị sĩ Vladimir Bulavin, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, cho biết: “Tài liệu này không ám chỉ sẽ có sự thay đổi nhanh chóng trong bản chất của các hoạt động quân sự đang diễn ra, mà đặt ra khung nguyên tắc rõ ràng để bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay”, theo TASS.

Cũng theo TASS, ông Vladimir Zharikhin, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), lưu ý rằng việc ký sắc lệnh này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, “nhưng điều này không có nghĩa là Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông nhấn mạnh: “Nga đang sở hữu đủ khả năng phi hạt nhân để gây khó khăn cho đối phương và các khả năng này vẫn chưa được sử dụng triệt để. Ví dụ như các loại bom chân không, có sức hủy diệt không kém nhiều so với vũ khí hạt nhân”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.