Chỉ trong 8 giờ đồng hồ, lượng mưa trút xuống một số khu vực ở vùng Valencia (Tây Ban Nha) tương đương lượng mưa trong cả một năm, gây lũ quét kinh hoàng nhất tại nước này trong 3 thập niên. Thảm họa này là do hiện tượng thời tiết có sức hủy diệt mang tên DANA gây ra.
Theo CNN, tính đến ngày 31-10, số người thiệt mạng do lũ quét ở miền đông Tây Ban Nha tăng lên gần 160 người trong khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm hàng chục người mất tích trong trận lũ quét ngày 29-10. Đây là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất của đất nước này trong lịch sử hiện đại. Bộ trưởng Chính sách lãnh thổ Angel Victor Torres cho biết, số người thiệt mạng có thể tăng lên trong những ngày tới.
Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề đối với thành phố Valencia khi tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, cuốn trôi cầu, đường, nhấn chìm đất nông nghiệp, làm hư hại khoảng 80km đường ở phía đông. Theo giới chức Tây Ban Nha, sẽ mất 2-3 tuần để thiết lập lại kết nối tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha đã triển khai hơn 1.000 quân với sự hỗ trợ của trực thăng để khắc phục hậu quả.
Theo Live Science, nguyên nhân gây ra thảm họa này là hiện tượng hình thành ở Địa Trung Hải mang tên DANA, có nghĩa vùng áp thấp biệt lập ở độ cao lớn. Theo Cơ quan khí tượng Tây Ban Nha (Aemet), đây là lần DANA nghiêm trọng nhất được ghi nhận trong thế kỷ 21. Khác với các cơn bão thông thường hay giông, DANA có thể hình thành mà không phụ thuộc vào các dòng tia địa cực hoặc cận nhiệt đới. Khi không khí lạnh thổi qua vùng biển Địa Trung Hải ấm áp và khiến không khí nóng bốc lên nhanh chóng, hình thành các đám mây dày chứa đầy nước có thể lưu lại trên cùng một khu vực trong nhiều giờ, làm tăng khả năng hủy diệt. Hiện tượng này đôi khi gây ra những cơn bão mưa đá lớn và lốc xoáy mạnh, như đã xảy ra ở Tây Ban Nha vừa qua. Miền đông và nam Tây Ban Nha đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này do vị trí nằm giữa Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Theo The Telegraph, lũ quét có khả năng xảy ra cao hơn vì sau mùa hè, đất ở Tây Ban Nha có thể khô cứng và không thấm hút nước. Khi xảy ra mưa lớn đột ngột, nước đọng trên mặt đất, khiến nguy cơ lũ quét thêm trầm trọng. Đồng thời, những con sông ở Tây Ban Nha, đặc biệt là lưu vực Địa Trung Hải, khá ngắn và dốc với bãi bồi hẹp, khiến nước chảy xiết, tạo ra mối đe dọa đối với cộng đồng gần đó. Quá trình đô thị hóa cũng làm giảm khả năng thấm hút tự nhiên do đất bị thay thế bằng bê-tông. Chưa kể, hệ thống cống rãnh ở Valencia không được thiết kế để xử lý mưa lớn dữ dội.
Trong khi đó, trước số thương vong trong thảm họa này không ngừng tăng, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về cách ứng phó thiên tai tại một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển này. Nhiều người cho rằng hệ thống phòng chống lũ lụt của Valencia không đủ mạnh để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt như vậy. AFP dẫn phản ánh của người dân nước này cho rằng, cơ quan chức năng Tây Ban Nha chậm trễ trong công tác cảnh báo lũ lụt. Họ chỉ nhận được thông báo khi nước lũ đã tràn vào, nhiều tài xế không nắm được tình hình đã lái xe ra đường và bị cuốn trôi.
The Guardian dẫn lời Hannah Cloke, Giáo sư thủy văn tại Đại học Reading (Anh) cho rằng nếu các cơ quan dự báo thời tiết đưa ra cảnh báo sớm, những thảm kịch như vậy hoàn toàn có thể tránh được khi người dân không di chuyển tới các khu vực có dòng nước lũ dâng cao. Rõ ràng, hệ thống cảnh báo của Valencia đã thất bại.
Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra nhiều thảm họa tương tự như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn với sức mạnh lớn hơn trong tương lai. “Chúng ta sẽ thấy nhiều trận lũ quét như thế này trong tương lai. Những trận mưa lũ với sức tàn phá khủng khiếp này mang “dấu vân tay” của biến đổi khí hậu”, CNN dẫn lời Giáo sư Cloke. Bà cũng cho biết rằng ngay cả những cảnh báo sớm về mưa lớn dựa trên các dự báo đáng tin cậy cũng khó có thể ngăn chặn được thảm họa này. Do đó, mọi người cần phải hiểu rõ mối nguy hiểm thực sự. Chỉ thông báo trời sẽ mưa rất nhiều vẫn chưa đủ.
NGHI VĂN