Những chính sách mạnh mẽ thời "Trump 2.0"

.

Ngay sau khi tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump đã công bố kế hoạch cải tổ toàn diện đất nước trong nhiệm kỳ thứ hai, theo đó tập trung thay đổi mạnh mẽ chính sách đối nội và đối ngoại.

Ông Donald Trump phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 tại Florida (Mỹ) ngày 6-11. Ảnh: Reuters/Carlos Barria
Ông Donald Trump phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 tại Florida (Mỹ) ngày 6-11. Ảnh: Reuters/Carlos Barria

Giới chuyên gia nhận định những chính sách này có thể tác động sâu rộng không chỉ tới nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới cục diện thế giới trong 4 năm ông Trump tại nhiệm.

Cải tổ mạnh mẽ chính sách đối nội

Theo AP, ông Trump tuyên bố sứ mệnh của ông lúc này là mang lại thời kỳ hoàng kim cho đất nước. Kế hoạch cải tổ đối nội tập trung vào một số lĩnh vực then chốt. Về nhập cư, ông cam kết thực hiện chương trình trục xuất hàng loạt lớn nhất trong lịch sử với việc sử dụng lực lượng Vệ binh quốc gia và trao quyền cho các lực lượng cảnh sát để thực hiện kế hoạch này; đồng thời tái áp dụng chính sách “Ở lại Mexico” và hạn chế nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo.

Về kinh tế, ông đề xuất áp thuế phổ quát lên hàng nhập khẩu và đặc biệt nhắm vào Trung Quốc. Ông dự định áp mức thuế quan lên tới 60% đối với hàng Trung Quốc, theo Al Jazeera. Ngoài ra ông cũng muốn cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, nhằm giảm thuế doanh nghiệp xuống 15% từ mức 21% hiện tại.

Về giáo dục, ông Trump có kế hoạch xóa bỏ Bộ Giáo dục liên bang và thay đổi căn bản hệ thống giáo dục, trong đó cắt giảm ngân sách cho các trường đại học lớn và sử dụng số tiền này để xây dựng “Học viện Mỹ” trực tuyến miễn phí, giúp mọi người dân Mỹ có thể học tập bậc đại học mà không phải tốn chi phí.

Trong lĩnh vực y tế, ông Trump dự định xem xét lại nhiều chính sách y tế lâu đời, bao gồm việc thu hồi quyền phê duyệt của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) đối với thuốc phá thai và xóa bỏ chương trình bảo hiểm từng được triển khai dưới thời Tổng thống Barack Obama (Obamacare). Ông cũng muốn trao quyền cho luật sư Robert F. Kennedy Jr để cải tổ các chính sách chăm sóc sức khỏe, theo The New York Times.

Thay đổi lớn trong đối ngoại

Sẽ không bất ngờ khi chính sách đối ngoại của ông Trump được dự báo sẽ theo đuổi chủ nghĩa cô lập nhiều hơn và giảm hợp tác quốc tế, xu hướng ông đã từng triển khai ở nhiệm kỳ trước (2016-2020). Ông công kích các tổ chức quốc tế như NATO, đồng thời rút khỏi các hiệp định đa phương.

Về xung đột Nga-Ukraine, ông Trump từng tuyên bố sẽ giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, mặc dù không đưa ra chi tiết cụ thể. Dù vậy theo Al Jazeera, giới chuyên gia cho rằng, ông có thể buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận có lợi cho Nga. Đối với Trung Quốc, ông Trump dự định duy trì và thậm chí tăng cường áp lực thương mại. Ông muốn cấm người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc mua các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

Về tình hình Trung Đông, theo The New York Times, ông Trump tuyên bố sẽ ủng hộ mạnh mẽ Israel nhưng cũng muốn kết thúc xung đột ở Gaza vì lo ngại ảnh hưởng hình ảnh của mình. Mối quan hệ cá nhân một thời nồng ấm giữa ông Trump với Thủ tướng Israel Netanyahu đã xấu đi sau năm 2020, đặc biệt là sau khi ông Netanyahu chúc mừng ông Joe Biden đắc cử năm đó.

Các chuyên gia cảnh báo chính sách đối ngoại của ông Trump có thể tạo ra nhiều bất ổn. Bình luận với Al Jazeera, chuyên gia Leslie Vinjamuri từ tổ chức nghiên cứu Chatham House cho rằng: “Các nước châu Âu đang cảm thấy  “lo ngại sâu sắc” về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump”. Họ lo ngại ông ấy có thể gây áp lực mạnh hơn về thuế quan, về vấn đề Trung Quốc và phá vỡ sự hợp tác trong khối G7.

Ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á và Nam Á tại tổ chức Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ đối ngoại) nhận xét với Al Jazeera rằng “ông Trump có lập trường quyết đoán hơn về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cựu tổng thống này thường nói những điều dùng làm đòn bẩy và sau đó thay đổi chúng”.

Với những chính sách đối nội và đối ngoại dự kiến nêu trên, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được dự báo sẽ mang tính bước ngoặt không chỉ đối với nước Mỹ mà còn với toàn bộ trật tự thế giới hiện tại. Điều này đòi hỏi các quốc gia cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với những thay đổi sắp tới trong chính sách của Mỹ dưới thời “Trump 2.0” như báo chí phương Tây đã gọi.

Doanh nghiệp châu Á đối mặt thách thức
Theo Nikkei Asia, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có thể dẫn đến sự gia tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, với mức thuế lên tới 60%. Những nền kinh tế xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan dự kiến chịu ảnh hưởng lớn. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, theo các chuyên gia, có nguy cơ làm chậm lại thương mại với Đông Nam Á, đồng thời gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung, buộc các quốc gia trong khu vực phải điều chỉnh chiến lược kinh tế và ngoại giao để thích ứng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.