Ngày 30-10, Saudi Arabia tổ chức cuộc họp đầu tiên của Liên minh toàn cầu thực thi giải pháp hai nhà nước (GAITTS) tại Riyadh để thúc đẩy thành lập nhà nước Palestine. Đây là cách duy nhất để đạt sự ổn định bền vững trong khu vực, trước mắt hướng đến chấm dứt khủng hoảng ở dải Gaza.
Đại diện của 90 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia cuộc họp của GAITTS tại Riyadh. Ảnh: AFP |
Lập trường của Saudi Arabia
Theo Al-Ekhbariya, liên minh toàn cầu do Saudi Arabia công bố vào tháng 9-2024, quy tụ các quốc gia từ Trung Đông, châu Âu và nhiều nơi khác để thực hiện giải pháp hai nhà nước sau nhiều thập kỷ ở ngõ cụt, khiến khu vực này đứng trước bờ vực của cuộc chiến toàn diện. Theo giải pháp này, các nhà nước Israel và Palestine sẽ chung sống hòa bình cạnh nhau. Tuy nhiên, Chính phủ Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến nay vẫn kiên quyết phản đối. Đáng chú ý, Mỹ, nước hậu thuẫn quân sự hàng đầu của Israel, cử ông Hady Amr, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Palestine tham dự sự kiện này.
Theo Saudi Press Agency, trong phát biểu khai mạc sự kiện, Ngoại trưởng nước chủ nhà, Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah nhấn mạnh phải có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế trước tình trạng bạo lực leo thang trong khu vực và việc tiếp diễn các hành động quân sự của Israel đối với Palestine. Ông tái khẳng định lập trường của Saudi Arabia trong việc ủng hộ nền độc lập của Palestine và quyền của người dân Palestine được tự quyết định số phận của mình và chấm dứt sự chiếm đóng.
Ông Faisal bin Farhan kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy việc thực hiện giải pháp hai nhà nước, khôi phục an ninh và ổn định trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu ngừng bắn ngay lập tức, thả con tin và người bị giam giữ, cũng như chấm dứt tình trạng miễn trừ thông qua các cơ chế giải trình và tiêu chuẩn kép đối với Israel, bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo cho Palestine mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Bên cạnh đó, kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Arrab - Hồi giáo vào ngày 11-11 để thảo luận về hành động quân sự hiện nay của Israel đối với Gaza và Lebanon.
Số quốc gia ủng hộ Palestine ngày càng tăng
Theo The New Arab, Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha công bố việc công nhận nhà nước Palestine vào tháng 5-2024, sau đó Slovenia có động thái tương tự, qua đó nâng số quốc gia công nhận nhà nước Palestine lên 146 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đáng chú ý, Saudi Arabia kêu gọi các quốc gia vốn có mong muốn công nhận nhà nước Palestine độc lập hãy thể hiện lập trường này một cách công khai để tạo thêm tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ Palestine. “Bây giờ là lúc chúng ta nên đứng về phía đúng đắn của lịch sử. Giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất có thể giúp thoát khỏi vòng xoáy bạo lực này và tiến tới tương lai mà cả người Israel và Palestine đều có thể chung sống trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau; mang lại sự ổn định, hội nhập và thịnh vượng trong khu vực”, Hoàng tử Faisal bin Farhan viết trong bài xã luận trên Financial Times đầu tháng 10-2024.
Các nhà ngoại giao Saudi Arabia đã làm việc không biết mệt mỏi cùng với các đối tác khác để bảo đảm Palestine được công nhận là quốc gia có chủ quyền với Đông Jerusalem là thủ đô với đường biên giới được xác định theo nghị quyết 1967 của LHQ; đồng thời sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu giải pháp hai nhà nước không được thực thi. Sự ngoan cố hiện nay của Israel chỉ làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, khiến các cuộc đàm phán ngoại giao ngày càng khó khăn, kéo dài sự đau khổ của cả hai bên, đẩy khu vực này đến gần với cuộc chiến lớn hơn.
Bên cạnh công nhận nhà nước Palestine, ông Faisal bin Farhan kêu gọi trách nhiệm giải trình theo ý kiến của Tòa án Công lý quốc tế, trong đó nêu rằng các khu định cư của Israel ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là bất hợp pháp và tất cả các quốc gia không nên viện trợ hoặc hỗ trợ để duy trì các khu định cư này; cần áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai làm suy yếu nhà nước Palestine.
Theo The New York Times, Saudi Arabia gần đây cam kết gửi tiền tài trợ cho người Palestine, báo hiệu sự ủng hộ mới của đối với nhà nước Palestine và giúp hàn gắn mối quan hệ giữa Riyadh và cơ quan quản lý Bờ Tây.
Theo giới quan sát, Chính phủ Saudi Arabia đang đấu tranh để cân bằng giữa sự đồng cảm chủ yếu ủng hộ Palestine trong dân chúng vương quốc này với việc duy trì mối quan hệ tích cực với Mỹ để đổi lấy “chiếc ô an ninh” từ Washington. Ngoài ra còn có sự chia rẽ thế hệ ngày càng tăng về vấn đề bình thường hóa với Israel vốn là điều mà Mỹ luôn mong mỏi. Thực tế, những người trẻ dưới 30 tuổi ở vương quốc này nhiều khả năng ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Israel.
THƯ LÊ