Vì sao EU đẩy nhanh tiến trình mở rộng?

.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần mở rộng kết nạp thêm thành viên. Đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối diễn ra cách đây tròn hai thập niên. Năm 2004, từ 15 quốc gia thành viên, EU đón nhận thêm 10 nước thành viên mới ở Đông Âu và vùng Balkan. Ba năm sau đó, EU tiếp nhận thêm hai quốc gia nữa là Romania và Bulgaria.

Tuy nhiên, sau khi Anh rời EU, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, việc tiếp tục mở rộng liên minh sẽ giúp gia tăng tầm ảnh hưởng của khối trong các vấn đề toàn cầu. Theo AP, phát biểu tại đại hội của đảng Xã hội châu Âu (PES) ở Berlin (Đức) tháng 10-2022, Thủ tướng Olaf Scholz cam kết nỗ lực thúc đẩy cải cách mở rộng EU để mang lại lợi ích cho toàn khối. Ông Scholz cho rằng: “Một EU với 27, 30, rồi 36 quốc gia, khi đó sẽ có hơn 500 triệu công dân tự do và bình đẳng, có thể nâng tầm ảnh hưởng của khối để gánh vác trọng trách lớn hơn trên thế giới”. 

Trong đó, EU lâu nay luôn tìm cách bình ổn khu vực Tây Balkan và Đông Âu bằng sự lời hứa hẹn về tương lai gia nhập khối để các nước này chủ động cải thiện tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, đồng thời đổ tiền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội với hy vọng khu vực này trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, thực tế tiến trình mở rộng khối diễn ra chậm chạp bởi có những tác động từ mâu thuẫn nội tại trong EU. Một số quốc gia sử dụng nguyên tắc đồng thuận để kìm hãm việc kết nạp thành viên mới.

Sau thời gian nghiên cứu, tháng 12-2023, EU cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia, thông qua cuộc đàm phán kết nạp Bosnia và Herzegovina, mở các cuộc đàm phán tương tự với Serbia, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia. Trước đó, EU chính thức khởi động quá trình đàm phán gia nhập đối với Ukraine và Moldova nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hai quốc gia này. Dưới tác động lớn từ xung đột Nga-Ukraine, EU khởi động đàm phán về việc kết nạp Albania và Bắc Macedonia. Dẫu vậy, một số nhà phân tích dự báo, tiến trình đàm phán này cũng sẽ kéo dài trước khi hai quốc gia có thể chính thức bước chân vào “ngôi nhà chung”.

Mới đây, ngày 30-10, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kế hoạch đẩy nhanh tiến độ gia nhập của Ukraine và Moldova. Quá trình đàm phán bắt đầu với giai đoạn kiểm tra quy định pháp luật của Ukraine và Moldova để đánh giá mức độ tương thích với các chuẩn mực pháp lý của EU. Giai đoạn kiểm tra này, còn gọi là “sàng lọc”, đang diễn ra thuận lợi và chưa gặp trở ngại đáng kể nào.

Song, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Để có thể trở thành thành viên EU, Ukraine và Moldova cần thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, đặc biệt trong chống tham nhũng và cải thiện hệ thống tư pháp. Đặc biệt, việc mở rộng quy mô khối lên 29, 30 thành viên hoặc nhiều hơn nữa được cho là sẽ buộc EU phải thay đổi quy trình ra quyết định vốn đang gây căng thẳng và tiến hành cải cách nội khối mà không phải thành viên nào cũng sẵn sàng tham gia. AP dẫn lời đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh, EU sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc thực hiện các cải cách quan trọng để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành thành viên chính thức của EU.

Về phía Georgia, quá trình đàm phán đã bị đình trệ do những lo ngại về tình hình chính trị trong nước. EC yêu cầu Georgia phải thực hiện một số cải cách để có thể nối lại quá trình đàm phán. Đáng chú ý là sau cuộc bầu cử mới đây, quốc gia này đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc khi các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra suốt nhiều ngày qua tại thủ đô Tbilisi. Ngoài Ukraine và Georgia, EU cũng ghi nhận tiến bộ tích cực từ một số ứng cử viên khác, đặc biệt là Montenegro trong quá trình đàm phán gia nhập.

Dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng EU đang thể hiện sự kiên định trong việc mở rộng liên minh, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe nhằm bảo đảm ổn định chính trị và phát triển bền vững toàn khu vực. Bước tiến về phía đông và khu vực tây Balkan cho thấy EU quyết khẳng định vai trò và vị thế trên trường quốc tế.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.