Nền kinh tế toàn cầu năm 2024 vừa thoát khỏi tác động của Covid-19, nay phải đối mặt những thách thức mới có thể xuất hiện vào năm 2025, đặt nhiều nền kinh tế đứng trước những ngã rẽ khó đoán.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Mỹ. Ảnh: Reuters |
Mặc dù ngân hàng trung ương các nước bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024 và thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang trở nên nghiêm trọng hơn và sự bất mãn của cử tri ở một số nền kinh tế đang gia tăng. Nếu Mỹ thực thi chính sách thuế quan táo bạo, nguy cơ chiến tranh thương mại dẫn đến đợt lạm phát và suy thoái kinh tế mới có thể không còn là lời cảnh báo. Xung đột ở một số điểm nóng, cũng như biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế.
Theo Ứng dụng Tài chính Zhitong, năm 2024, các ngân hàng trung ương nhiều nước có thể bắt đầu hạ lãi suất sau khi phần lớn giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát mà không gây ra suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục và Forbes tuyên bố năm nay là “năm bội thu của giới siêu giàu”, với 141 tỷ phú mới gia nhập danh sách siêu giàu của tạp chí danh tiếng này.
Tuy nhiên, mặc dù có những dấu hiệu kinh tế tốt trong năm 2024, nhưng người dân lại không hài lòng vì họ cảm nhận rõ phần nào thực tế kinh tế lúc này: giá cả tăng tích lũy sau Covid-19 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt không ngừng. Sự bất mãn này đã thể hiện rõ trong các cuộc bầu cử ở các nước. Nhiều người có thể sẽ phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn vào năm 2025. Nếu chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gia tăng thuế quan, gây ra cuộc chiến thương mại, lạm phát có thể tăng trở lại, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc hoặc cả hai điều này sẽ cùng xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp lịch sử và còn có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, xung đột ở Ukraine và Trung Đông, cũng như bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, càng phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu khi đều có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng, vốn là nhiên liệu cho nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại về chi phí trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Những cảnh báo nói trên thực sự đáng quan ngại với bức tranh kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh theo Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia nghèo nhất trên toàn cầu đã bỏ lỡ cơ hội phục hồi sau Covid-19 và đang trong tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong 20 năm với điều kiện thương mại hoặc tài chính suy yếu. Trong khi đó, các nền kinh tế giàu có hơn cũng không khả quan hơn khi các chính phủ vẫn cần tìm cách xoa dịu tâm lý của nhiều cử tri khi sức mua, mức sống và triển vọng tương lai của họ đang suy giảm. Bởi nếu không làm như vậy, sự chia rẽ trên chính trường của các nước này ngày càng sâu sắc.
Kể từ khi xảy ra Covid-19, nền kinh tế châu Âu đã tụt hậu hơn nữa so với Mỹ. Kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán trước đây trong năm 2025, theo khảo sát của Bloomberg.
Theo đó, kinh tế Eurozone có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm sau, thấp hơn dự báo trước đó. Đức và Pháp - hai đầu tàu kinh tế của khối - nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong năm 2025. Điều đáng lo là những dự báo này thậm chí còn bi quan hơn so với dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB vẫn kỳ vọng các hộ gia đình sẽ thúc đẩy sự phục hồi khi thu nhập tăng và lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2%, mặc dù kỳ vọng này đã từng mang lại sự thất vọng.
Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn trong nền kinh tế. Theo AP, dù cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng người thu nhập thấp vẫn gặp khó khăn sau nhiều năm lạm phát cao và lãi suất tăng. Chưa kể đến, “quả bom” thuế quan cũng đang chực chờ dưới thời Trump 2.0 bởi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách này vô hình trung tác động ngược đến người tiêu dùng Mỹ với lạm phát thổi bùng.
CNN dẫn báo cáo gần đây của Bank of America, gần 30% số hộ gia đình ở Mỹ chi hơn 95% thu nhập khả dụng của họ cho các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, thực phẩm, điện nước. Tỷ lệ này tăng so với năm 2019, cho thấy nhiều người dân vẫn gặp khó khăn. “Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn luôn cảm nhận rõ nhất tác động của lạm phát và lãi suất cao”, CNN dẫn lời nhà kinh tế cấp cao tại NerdWallet Elizabeth Renter cho biết.
Nếu lạm phát lại bùng lên, tác động lần này sẽ nặng hơn so với năm 2021 bởi nhiều người Mỹ không còn các khoản tiết kiệm và hỗ trợ như trong thời Covid-19. Như vậy, nhóm thu nhập thấp có thể phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tiềm tàng xuất hiện cùng thời điểm. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) mô tả tình thế lúc này rằng: “Hãy chuẩn bị cho thời kỳ bất ổn”.
Giữa nhiều thách thức, các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính đang đặt cược vào khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể vượt qua tất cả những thách thức này, và các ngân hàng trung ương sẽ trở lại mức lãi suất bình thường.
THƯ LÊ