Tai nạn máy bay kinh hoàng ở Kazakhstan

.

Dẫu có thương vong và còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải nhưng việc những người còn sống sót trong vụ máy bay ở Kazakhstan vẫn là điều kỳ diệu và những câu chuyện của họ trong giờ phút sinh tử sẽ là đề tài cuốn hút dư luận trong những ngày sắp đến.

Theo hãng thông tấn nhà nước Azerbaijan (AZERTAC), ngày 25-12, máy bay chở khách do hãng hàng không Azerbaijan Airlines khai thác, trong chuyến bay J2-8243 đang thực hiện hành trình từ thủ đô Baku (Azerbaijan) đến thành phố Grozny thuộc vùng Chechnya của Nga đã bị rơi cách thành phố Aktau ở Kazakhstan 3km, khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và 29 người còn sống sót.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hủy các cuộc gặp chính thức để giải quyết thảm kịch này. Phó Thủ tướng Kazakhstan Kanat Bozumbayev cho biết, sau chiến dịch cứu hộ quy mô lớn, lực lượng tìm kiếm phát hiện 29 người sống sót kỳ diệu trong đó có 2 trẻ em, và đã nhanh chóng đưa họ ra khỏi đống đổ nát. Trong số này, 11 người đang trong tình trạng nguy kịch. AZERTAC dẫn báo cáo sơ bộ của Bộ Giao thông Kazakhstan cho biết, có 62 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn trên máy bay; 37 người trong số các hành khách là công dân Azerbaijan, 6 người Kazakhstan, 3 người Kyrgyzstan và 16 người Nga.

Đây không chỉ là vụ tai nạn hàng không thông thường mà đang làm chấn động dư luận thế giới, gây ra nhiều tranh cãi và để lại hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp. Theo AZERTAC, phi công điều khiển máy bay là người có nhiều kinh nghiệm, có hơn 15.000 giờ bay và chiếc máy bay gặp nạn đã trải qua đợt kiểm tra kỹ thuật toàn diện vào tháng 10. Việc những người còn sống sót là một điều kỳ diệu và những câu chuyện của họ trong giờ phút sinh tử sẽ là đề tài cuốn hút dư luận trong những ngày sắp đến. Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Kazakhstan, một nhóm tìm kiếm đã định vị và thu hồi được hộp đen của máy bay. Chính phủ Kazakhstan thành lập ủy ban điều tra và sẽ hợp tác với Azerbaijan để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn cũng như hỗ trợ các gia đình hành khách.

Ông Kyanan Zeinalov, đại diện Văn phòng Công tố viên Azerbaijan ngày 26-12 cho biết, cuộc điều tra về vụ rơi máy bay ở Kazakhstan đang được tiến hành và hiện vẫn còn quá sớm để nói về kết quả.

Trong khi đó, Cơ quan giám sát hàng không Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, thông tin sơ bộ cho thấy, phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp do va chạm với chim. Các quan chức không giải thích ngay lý do tại sao máy bay lại bay qua biển, nhưng vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi máy bay không người lái tấn công miền Nam nước Nga. Hoạt động của máy bay không người lái khiến Nga đóng cửa các sân bay trong khu vực và sân bay Nga gần nhất trên đường bay của chuyến bay xấu số cũng đóng cửa vào sáng cùng ngày.

Azerbaijan Airlines đã đình chỉ các chuyến bay từ Baku đến Grozny và Makhachkala, thành phố lớn nhất của Dagestan, cho đến khi cuộc điều tra về vụ tai nạn hoàn tất.

Trước thảm kịch kinh hoàng vừa diễn ra, những lời tưởng nhớ được gửi đến Azerbaijan từ khắp mọi nơi trên thế giới. Các buổi cầu nguyện thắp nến được tổ chức tại Azerbaijan và Kazakhstan để tưởng nhớ những người đã mất và cầu nguyện cho những người sống sót. Các tổ chức hàng không quốc tế dành những phút mặc niệm và treo cờ rủ ở một số quốc gia. Những cử chỉ này, mặc dù mang tính biểu tượng nhưng phần nào đã mang đến sự an ủi cho các gia đình đang đau buồn và củng cố cảm giác về một thế giới đoàn kết.

Đáng chú ý, RT dẫn phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) được tổ chức tại Leningrad (Nga) ngày 25-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lời chia buồn với những người liên quan đến vụ tai nạn và cho biết, máy bay của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga chở nhân viên y tế và thiết bị đã được điều đến Kazakhstan để hỗ trợ.

Ông Putin nói: “Chúng ta hãy hy vọng những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục và tất nhiên, tôi chắc chắn rằng, một cuộc điều tra toàn diện sẽ được tiến hành. Chúng tôi sẽ điều phối công việc của cơ quan các dịch vụ đặc biệt và hàng không của chúng tôi về mọi vấn đề liên quan đến thảm kịch này”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.