Các ông lớn ngành dược Mỹ tăng giá hàng trăm loại thuốc

.

Trong bối cảnh hơn 250 loại thuốc biệt dược của Mỹ đồng loạt tăng giá từ đầu năm 2025, kế hoạch áp thuế 25% của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với dược phẩm nhập khẩu có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng thiếu thuốc generic ở phạm vi toàn cầu.

Với quy mô toàn cầu của các tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ, hậu quả của những cơn lốc tăng giá thuốc không chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ, mà sẽ lan rộng ra toàn cầu. Ảnh minh họa: Getty Images
Với quy mô toàn cầu của các tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ, hậu quả của những cơn lốc tăng giá thuốc không chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ, mà sẽ lan rộng ra toàn cầu. Ảnh minh họa: Getty Images

Ngày 1-1-2025, làn sóng tăng giá thuốc mới tại Mỹ chính thức khởi động. Pfizer, tập đoàn dược phẩm lớn, dẫn đầu xu hướng này với việc tăng giá hơn 60 loại thuốc, trong đó có thuốc điều trị Covid-19 Paxlovid tăng 3%. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành dược phẩm Mỹ đang phải đối mặt với áp lực kép từ chính sách kiểm soát giá của chính quyền Tổng thống Joe Biden và kế hoạch thuế quan mới với dược phẩm nhập khẩu của ôngTrump.

Xu hướng đáng lo ngại

Nhưng đây có thể chỉ là khởi đầu của cơn bão lớn hơn. Kế hoạch áp thuế 25% lên dược phẩm nhập khẩu của ông Trump đang khiến giới chuyên gia lo ngại về cuộc khủng hoảng kép: không chỉ đẩy giá thuốc generic (loại thuốc có cùng thành phần hoạt chất với thuốc biệt dược nhưng được bán với giá thấp hơn đáng kể) - vốn chiếm tới 90% đơn thuốc tại Mỹ - lên cao hơn nữa, mà còn có thể gây ra tình trạng khan hiếm thuốc trên phạm vi toàn cầu.

Mức tăng giá thuốc năm 2025 phản ánh xu hướng đáng lo ngại của các công ty dược phẩm Mỹ. Theo phân tích của Reuters, các công ty đã tung ra các loại thuốc mới tại Mỹ năm 2023 với mức giá cao hơn 35% so với năm 2022, đẩy giá trung bình của một loại thuốc mới từ 222.000 USD lên 300.000 USD mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada của ông Trump đang làm dấy lên những lo ngại mới. Theo ông Arthur Wong, Giám đốc quản lý y tế tại S&P Global Ratings - một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đặc biệt đến chi phí thuốc generic.

Thực tế cho thấy 80% nguyên liệu dược phẩm được sản xuất ở nước ngoài, với Trung Quốc chiếm tới 1/4 lượng nhập khẩu dược phẩm của Mỹ. Việc xây dựng một cơ sở sản xuất thuốc mới tại Mỹ có thể mất từ 3 đến 5 năm, trong khi nhu cầu về thuốc generic đang ngày càng tăng cao.

Ông Dan Izhaky, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Y tế Mỹ, cảnh báo chi phí thiết bị y tế sẽ “chắc chắn” tăng trong ngắn hạn nếu chính sách thuế quan của ông Trump được áp dụng. Đáng chú ý, việc xây dựng một cơ sở sản xuất thuốc mới tại Mỹ có thể mất từ 3 đến 5 năm.

Hậu quả lan rộng

Trao đổi với Reuters, ông Antonio Ciaccia, Chủ tịch công ty nghiên cứu y tế 3 Axis Advisors, cho rằng các công ty dược phẩm đang buộc phải thay đổi chiến lược. “Các nhà sản xuất thuốc không còn nhiều cơ hội để tăng giá theo thời gian nữa, điều đó có nghĩa là họ phải mạnh tay hơn với giá khởi điểm của thuốc mới, đây thực sự là lựa chọn duy nhất họ có trước các hình phạt mở rộng đối với việc tăng giá thuốc hàng năm”, ông nói.

Theo Quartz, xu hướng này một phần là hệ quả của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022. Theo đó các nhà sản xuất thuốc phải trả tiền hoàn lại cho chính phủ nếu tăng giá vượt tỷ lệ lạm phát đối với thuốc được quỹ bảo hiểm Medicare chi trả. Để đối phó, nhiều công ty dược phẩm đã chuyển sang chiến lược tập trung vào các loại thuốc điều trị bệnh hiếm, nơi họ có thể tận dụng sự thiếu vắng các phương pháp điều trị thay thế để biện minh cho mức giá cao.

Trong khi IRA đã giới hạn chi phí thuốc tự trả cho người thụ hưởng bảo hiểm Medicare ở mức 2.000 USD/năm từ 2025, việc dự kiến áp thuế quan lên dược phẩm nhập khẩu của Ông Trump có thể vô hiệu hóa những nỗ lực kiềm chế chi phí này. Câu hỏi đặt ra là: liệu chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump có đang vô tình đẩy cả thế giới vào cuộc khủng hoảng thuốc men với cái giá phải trả còn đắt hơn cả tham vọng đưa sản xuất về Mỹ?

Những mức tăng giá thuốc đáng chú ý nhất từ ngày 1-1-2025

Thuốc tăng giá nhiều nhất: Matulane (điều trị bệnh Hodgkin) và Cystaran (thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh cystinosis) của Leadiant Pharmaceuticals tăng lần lượt 15% và 20%.
Thuốc điều trị ung thư Abecma và Breyanzi của Bristol Myers Squibb tăng 6% và 9%.
Pfizer tăng giá 3-5% cho nhiều loại thuốc, bao gồm: Paxlovid (điều trị COVID-19), Nurtec (điều trị đau nửa đầu), Adcetris, Ibrance và Xeljanz (thuốc ung thư).
Sanofi tăng giá khoảng một tá vaccine từ 2,9% đến 9%. (Nguồn: Reuters)

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.