Khởi đầu mới giữa EU và Syria

.

Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường củng cố mối quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Syria thông qua chuyến thăm đáng chú ý của các bộ trưởng ngoại giao Đức và Pháp tới thủ đô Damascus.

Ông Ahmed Al-Sharaa gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tại Damascus ngày 3-1. Ảnh: DW
Ông Ahmed Al-Sharaa gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tại Damascus ngày 3-1. Ảnh: DW

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, đại diện cho EU, có chuyến thăm lịch sử tới Damascus để gặp nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời Syria, ông Ahmed al-Sharaa. Đây là chuyến thăm đầu tiên của các bộ trưởng EU kể từ khi nhóm đối lập giành quyền kiểm soát Damascus vào tháng 12-2024.

Hỗ trợ tiến trình chuyển giao quyền lực 

Chuyến thăm của các quan chức cấp cao hai nước đầu tàu của EU thể hiện mong muốn hỗ trợ tiến trình chuyển giao quyền lực ở Syria. Theo DW, mục đích này được nêu rõ trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức trích lời Ngoại trưởng Baerbock: “Chuyến đi của tôi cùng với người đồng cấp Pháp thay mặt cho EU gửi tín hiệu rõ ràng đến người dân Syria: Một khởi đầu chính trị mới giữa châu Âu và Syria, giữa Đức và Syria, là điều có thể thực hiện. Đức và các đối tác quốc tế của mình cũng cam kết bảo đảm tiến trình nội bộ của Syria không bị gián đoạn từ bên ngoài”.

Bà Baerbock cũng khẳng định EU muốn đưa Syria trở lại vị trí là  thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế, đồng thời muốn giúp Syria đạt được sự chuyển giao quyền lực toàn diện, hòa bình cũng như các nỗ lực tái thiết, mặc dù con đường gập ghềnh vẫn còn phía trước. Đồng quan điểm, trong cuộc gặp với lãnh đạo mới của Syria ngày 3-1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria và sự cần thiết phải ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố hồi giáo. Ông Barrot bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Syria trong việc thiết lập hệ thống chính trị và hệ thống tư pháp chuyển tiếp. Hai ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính phủ hòa bình và bao dung, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số và người dân Syria nói chung. 

Thực tế, sau khi lật đổ chính quyền dưới thời ông Bashar al-Assad, lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) mà ông Sharaa lãnh đạo đang nỗ lực trấn an các nước Arab và cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ quản lý đất nước với tinh thần trách nhiệm cao vì người dân Syria và không mở rộng cách mạng Hồi giáo. Trong khi đó, các chính phủ phương Tây bắt đầu mở kênh liên lạc với ông Sharaa và HTS, cũng như cân nhắc chuyện đưa lực lượng này ra khỏi danh sách khủng bố.

Đối với EU, Syria là yếu tố quan trọng trong sự ổn định của khu vực, vì là quốc gia trung chuyển giữa châu Âu và Trung Đông. Bên cạnh đó, trước cuộc xung đột, EU và Syria đã có các thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Cuộc nội chiến Syria đã gây ra khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế giới từ trước đến nay và các nước EU trở thành nơi tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn từ quốc gia  Trung Đông này. Đơn cử, khoảng một triệu người Syria đã di cư đến Đức dưới thời ông Bashar al-Assad. Do đó, các nước EU mong muốn tình hình ổn định ở Syria tạo điều kiện để người tị nạn trở về quê nhà.

Syria tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước Arab

Cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao hàng đầu của Đức và Pháp tại Damacus cho thấy sự chuyển động ngoại giao bước đầu của chính quyền mới tại Syria. Theo AP, ngày 1-1, một phái đoàn cấp cao của Syria đến Saudi Arabia, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức chính quyền mới tại Syria kể từ khi chính phủ của ông Bashar al-Assad sụp đổ. Tiếp đến, ngày 4-1, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Syria, ông Asaad Hassan al-Shaibani, thông báo sẽ tới thăm Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Jordan.

Nhà ngoại giao hàng đầu trong chính phủ mới của Syria cho biết, việc tới thăm ba nước này có mục tiêu củng cố ổn định, an ninh, thúc đẩy phục hồi kinh tế và xây dựng quan hệ đối tác nổi bật. Đáng chú ý, các chuyến thăm mới diễn ra trong bối cảnh chính phủ mới của Syria mong muốn thu hút nguồn đầu tư từ các quốc gia giàu có của vùng Vịnh nhằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế, vốn đang ở trạng thái tồi tệ sau hơn một thập kỷ xung đột.

Theo Reuters, hội nghị toàn quốc đầu tiên kể từ khi có sự thay đổi quyền lực ở Syria dự kiến được tổ chức trong tháng 1-2025, trong đó công bố việc giải tán tất cả các phe phái vũ trang, bao gồm cả nhóm HTS. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 115.000 người Syria đã tự nguyện trở về nước sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ. Đến nay, các máy bay chở hàng viện trợ quốc tế đã hạ cánh ở Syria và các chuyến bay nội địa cũng được nối lại. Sân bay quốc tế chính của nước này ở thủ đô Damascus sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế đi và đến từ ngày 7-1.

Nhiều nước hỗ trợ quá trình tái thiết ở Syria

Gần đây, quan chức của các quốc gia lên tiếng hỗ trợ quá trình tái thiết ở Syria. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Bỉ Bernard Quintin gần đây nêu bật nhu cầu hỗ trợ nhanh chóng về kinh tế, tài chính và thương mại cho công cuộc tái thiết Syria. Ngoại trưởng Fidan bày tỏ “sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình về vấn đề này”, trong khi Ngoại trưởng Quintin cho biết Bỉ có thể giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Damascus, nhưng sẽ dựa trên những bước đi tiếp theo mà chính phủ lâm thời Syria thực hiện. Ngày 4-1, máy bay chở hàng dân sự đem theo 15 tấn hàng tiếp tế của Ai Cập hạ cánh xuống sân bay Damascus, đánh dấu một phần trong cam kết của Ai Cập hỗ trợ người dân Syria.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.