Kinh tế toàn cầu vẫn ổn định vào năm 2025

.

Kinh tế toàn cầu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng vào năm 2025 khi các ngân hàng trung ương lớn thực hiện một loạt các đợt cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, theo dự báo của các chuyên gia trên thế giới.

Công nhân tại nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời QCells ở Dalton, Georgia (Mỹ).  Ảnh: Reuters
Công nhân tại nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời QCells ở Dalton, Georgia (Mỹ). Ảnh: Reuters

GDP toàn cầu có thể tăng khoảng 3%

Theo cuộc thăm dò về tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần đây của Reuters với khoảng 500 nhà kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến ​​giữ nguyên ở mức khoảng 3% vào năm 2025, mặc dù có những rủi ro đáng kể.

Trong dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2025, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lạc quan với mức 3,3% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ thuận lợi ở hầu hết các quốc gia. Lạm phát đã trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương ở gần một nửa các nền kinh tế tiên tiến và gần 60% các nền kinh tế thị trường mới nổi.

“Nền kinh tế toàn cầu chứng tỏ khả năng phục hồi. Lạm phát giảm theo mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định”, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo 3,2%. Với nhận định thận trọng hơn, Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt 3% và 2,7%.

Đáng chú ý, triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực. Theo OECD, tăng trưởng GDP tại Mỹ dự kiến ​​2,8% trong năm 2025, trước khi chậm lại còn 2,4% vào năm 2026. Kinh tế Mỹ không chỉ vượt qua tất cả các nước G10 (bao gồm các thành viên G7 cùng Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ) mà còn tăng trưởng gần gấp đôi tốc độ mà các nhà kinh tế dự đoán vào đầu năm 2024. Thị trường chứng khoán của nước này đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, một phần là do dòng tiền chảy vào từ nước ngoài.

Tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro dự kiến ​​đạt 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026. Dự báo sự phục hồi về thu nhập hộ gia đình, thị trường lao động thắt chặt và việc cắt giảm lãi suất là những chính sách tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực này. Kinh tế Nhật Bản dự kiến ​​tăng 1,5% vào năm 2025 nhưng sau đó giảm xuống 0,6% vào năm 2026. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,7% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2026.

Sức mạnh từ châu Á

Năm 2025 cũng được dự báo chứng kiến khả năng phục hồi kinh tế ở nhiều nước châu Á. Theo Reuters, Ấn Độ - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Tương tự, Nhật Bản gần đây thực hiện những bước đi ban đầu nhằm thoát khỏi nhiều thập kỷ chính sách tiền tệ nới lỏng. Kinh tế nước này dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải vào năm 2025 nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ từ tăng lương và các chính sách của chính phủ nhằm ghìm cương lạm phát. Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện gói kích thích tiền tệ dự kiến ​​trị giá 1.400 tỷ USD để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 5% của nước này.

Đối với phần lớn các nền kinh tế thế giới nơi lãi suất đang giảm, những mức lãi suất đó có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống trong năm 2025, củng cố thêm triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng làm tổng thống và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ định hình các thị trường hàng hóa toàn cầu vào năm 2025, theo Reuters. Không có mô hình nào có thể dự đoán kết quả rõ ràng khi giá dầu thô, khí hóa lỏng, quặng sắt, than và kim loại sẽ khó đoán hơn bao giờ hết. Khả năng ông Trump áp thuế lên tới 60% đối với hàng Trung Quốc và 20% đối với tất cả quốc gia khác, có thể nắn lại dòng chảy thương mại, thúc đẩy lạm phát và dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Mọi con mắt cũng sẽ đổ dồn vào các biện pháp kích thích tiếp theo từ Trung Quốc.

Các chuyên gia quốc tế kêu gọi các quốc gia cần có hành động tài khóa quyết đoán để bảo đảm tính bền vững của tài chính công và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho chính phủ để giải quyết các cú sốc trong tương lai và áp lực chi tiêu trong tương lai. Những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn để kiềm chế tăng trưởng chi tiêu, tối ưu hóa doanh thu và tăng cường các lộ trình điều chỉnh đáng tin cậy trong trung hạn cần phải là nền tảng của các nỗ lực ổn định gánh nặng nợ.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu kinh tế thế giới

Theo dữ liệu được làm tròn và được tính theo USD danh nghĩa, IMF dự báo tổng quy mô nền kinh tế toàn cầu đạt 15.000 tỷ USD trong năm tới. Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới - vị trí được duy trì hơn 100 năm qua - với GDP năm tới dự báo đạt 30.300 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc với GDP 19.500 tỷ USD. Đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm thứ 15 liên tiếp. Hai nước này chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu. Năm 2024, Đức vượt qua Nhật giành lại vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ năm vào năm 2020. Cả ba quốc gia này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì các vị trí này tới năm 2026, thời điểm Ấn Độ được dự báo vượt Nhật Bản lên thứ tư. Đức được dự báo là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, theo IMF.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.