Singapore đã vượt Mỹ để đứng đầu bảng xếp hạng Đổi mới toàn cầu mới nhất dựa trên nhiều chỉ số khác nhau như trình độ lực lượng lao động và tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới.
Ngày 10-1, The Strait Times đăng tải bảng xếp hạng đổi mới toàn cầu mới nhất gồm 74 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) được Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng (CTA), cơ quan thương mại của Mỹ, thành lập từ năm 2019. Top 5 quốc gia đổi mới hàng đầu gồm Singagore, Mỹ, New Zealand, Thụy Điển và Thụy Sĩ.
Trong top 25, Singapore đoạt điểm tổng hợp cao nhất, đánh dấu bước chuyển ngoạn mục từ vị trí thứ 15 vào năm 2023. Giải thưởng này được trao vào ngày 9-1 tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics Show - CES) tại Las Vegas, triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, nơi các công ty giới thiệu các sản phẩm và nguyên mẫu mới nhất.
Theo CTA, bảng xếp hạng đánh giá các quốc gia dựa trên thực tế tình hình chính trị, kinh tế và nhân khẩu học để đánh giá vị thế của họ trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ. Đáng chú ý, bảng xếp hạng năm nay đánh giá các quốc gia trên nhiều chỉ số hơn trước đây. Trong khi bảng xếp hạng năm 2023 có 40 chỉ số, thì bảng điểm mới nhất có 56 chỉ số, bao gồm nhiều nguồn dữ liệu từ các cơ quan như Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển.
Cụ thể, Singapore đạt điểm cao nhất ở 4 trong 16 hạng mục được đo lường, bao gồm: khả năng phục hồi của môi trường kinh doanh và tính minh bạch của dữ liệu; bản chất ủng hộ đổi mới của môi trường pháp lý; sự thân thiện của nước này đối với các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ; và chính sách thuế đối với các công ty. Quốc gia này cũng đạt điểm cao ở các hạng mục khác, chẳng hạn như sự đa dạng về người nhập cư trong lực lượng lao động; sự cởi mở với dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa và luồng dữ liệu xuyên biên giới; tốc độ băng thông rộng.
The Straits Times dẫn lời Tổng Giám đốc điều hành CTA Gary Shapiro nhấn mạnh bảng xếp hạng lần này xem xét liệu các quốc gia có đủ điều kiện để thúc đẩy những nhà đổi mới của họ sáng tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn hay không. Điều đó có nghĩa là không chỉ đánh giá khoản đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến hoặc thủ tục hành chính đối với các công ty khởi nghiệp, mà còn ghi nhận nỗ lực của các quốc gia nhằm tạo cơ hội cho sự đa dạng của lực lượng lao động và tôn trọng các quyền tự do cơ bản của mọi người.
Bên cạnh đó, các quốc gia giữ vị trí xếp hạng cao nhất thể hiện sự hợp tác tốt nhất giữa chính phủ và ngành công nghiệp. Trong bài đăng trên Facebook vào ngày 9-1, Enterprise Singapore, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động tại Singapore, cho biết: “Danh hiệu cao quý này ghi nhận lực lượng lao động lành nghề, kết nối băng thông rộng tiên tiến, môi trường kinh doanh và sự cởi mở với các công nghệ mới của Singapore”.
Với cương vị nhà đổi mới toàn cầu, Singapore được đánh giá cao về hiệu quả của chính phủ, vốn đầu tư mạo hiểm và môi trường đầu tư ổn định cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, nơi đây có nguồn vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Một yếu tố khác thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đảo quốc sư tử nằm ở chiến lược ưu tiên thu hút nhân tài toàn cầu. Thậm chí, ngay trong thời kỳ Covid-19, khi mà nhiều chuyên gia không muốn ra nước ngoài làm việc, quốc đảo sư tử vẫn tiếp tục thu hút được nhân tài hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, một phần nhờ vào sự chủ động và thành công chống dịch. Quốc gia nhỏ bé này cũng đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, tạo kỳ tích trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Danh hiệu nói trên tiếp tục bổ sung thêm cái “nhất” của Singapore trên trường quốc tế. Trước đó, Singapore đứng đầu danh sách xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2024 do Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố. Theo báo cáo, theo sau Singapore là Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ireland và Hong Kong (Trung Quốc)..., trong khi Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ 12.
TẤN PHÁT