AI thay đổi mạnh mẽ xu hướng tuyển dụng

.

Trong thị trường tuyển dụng hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra nghịch lý đáng chú ý: công nghệ vừa kết nối vừa ngăn cách con người trong quá trình tuyển dụng, làm thay đổi hoàn toàn cách nhà tuyển dụng và ứng viên tương tác.

Một người đàn ông giới thiệu về Lisa, nhân viên tuyển dụng bằng robot mới của công ty Alfa AI. Ảnh: Instagram/@Alfie_Whattam
Một người đàn ông giới thiệu về Lisa, nhân viên tuyển dụng bằng robot mới của công ty Alfa AI. Ảnh: Instagram/@Alfie_Whattam

Robot gác cửa tuyển dụng

Thị trường phần mềm tuyển dụng toàn cầu trị giá 3,3 tỷ USD dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2032, theo báo cáo trích dẫn trên The Washington Post. AI đang nhanh chóng len lỏi vào mọi khâu của chuỗi tuyển dụng, từ đăng việc làm, tìm kiếm ứng viên tiềm năng, quét đơn xin việc đến lên lịch phỏng vấn và tương tác với người tìm việc.

LinkedIn, nền tảng với 1 tỷ người dùng toàn cầu, đã triển khai “trợ lý tuyển dụng” AI để giảm các công việc hành chính. Ông Dan Shapero, CEO LinkedIn, giải thích trên The Times: “Nếu bạn phân tích tất cả các bước mà một nhà tuyển dụng trải qua để tuyển người, khoảng 20 giờ mỗi tuần được dành cho các công việc lặp đi lặp lại”. Email được soạn bởi AI của LinkedIn có tỷ lệ chấp nhận cao hơn 44% so với email thông thường. Tại Siemens, nhà tuyển dụng trước đây mất 1 giờ tìm ứng viên cho một vị trí, giờ chỉ mất 10 phút để tìm ứng viên cho 5 vị trí khác nhau.

Nhưng khi các công ty ngày càng phụ thuộc vào AI, người tìm việc cảm thấy như họ đang “hét vào khoảng không”. Herval Freire, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật tại Mobile.dev, chia sẻ trải nghiệm đáng chú ý: một công việc anh đăng trên LinkedIn thu hút 150 ứng viên chỉ trong 7 phút, nhưng các CV được gửi dưới nhiều tên khác nhau, chứa đầy lỗi và thông tin mâu thuẫn. “Tôi ủng hộ AI theo nghĩa nó cho phép bạn làm những việc trước đây không thể, nhưng nó đang bị lạm dụng một cách điên cuồng”, Freire nói.

Một thách thức ngày càng lớn là sự xuất hiện của ứng viên “deepfake”. Vidoc Security Lab, công ty khởi nghiệp an ninh mạng Ba Lan, gần đây phát hành hướng dẫn cách phát hiện người tìm việc giả sau khi họ suýt tuyển một ứng viên đã vượt qua nhiều giai đoạn trong khi sử dụng phần mềm để che mặt và vượt qua các bài kiểm tra lập trình.

Giá trị cao của yếu tố con người

Trước tình hình này, nhiều công ty đang điều chỉnh quy trình tuyển dụng để tránh bị đánh lừa, từ việc đặt câu hỏi cá nhân hơn đến tổ chức phỏng vấn trực tiếp tại vòng cuối, bất kể chi phí đi lại có thể tốn thêm hàng trăm USD cho mỗi lần tuyển dụng.

Chris Eldridge, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Robert Walters, chia sẻ với The Washington Post: “Nếu bạn có thể hoàn thành công việc hành chính thông qua công nghệ, điều đó cho phép bạn dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ trực tiếp mọi người. Phán đoán của con người sẽ luôn cần thiết”. Bettina Liporazzi, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng tại studio kỹ thuật số letsmake.com, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn “sự tiếp xúc mang tính con người” trong tuyển dụng. AI đang nâng cao tiêu chuẩn cho việc tuyển dụng. Nếu các công ty không nâng cao tiêu chuẩn của họ, họ sẽ bị bỏ lại phía sau”, bà nhấn mạnh.

Một nghịch lý đang xuất hiện: khi AI trở nên phổ biến hơn, giá trị của tương tác con người càng tăng. Freire chia sẻ rằng anh và nhiều nhà tuyển dụng khác đang quay lại các phương pháp “cổ điển” như giới thiệu từ mạng lưới cá nhân, mặc dù họ thừa nhận điều này làm cho quy trình của họ khép kín hơn.

Người tìm việc cũng đang nhận ra giá trị của sự tương tác này. Nhiều ứng viên đang coi việc được một người thật xem xét hồ sơ của họ là đặc quyền ngày càng hiếm hoi trong kỷ nguyên AI. Thách thức trong tương lai là tìm ra sự cân bằng đúng đắn: để AI xử lý các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong khi vẫn duy trì yếu tố con người cần thiết.

Chạy đua công nghệ trong tuyển dụng

Khi các công ty triển khai AI để sàng lọc ứng viên, người tìm việc cũng đang “phản công” với kho vũ khí công nghệ riêng. Các dịch vụ hứa hẹn tối ưu hóa lý lịch cho hệ thống quét AI và công cụ có thể ứng tuyển hàng trăm việc làm trong vài phút đã tạo ra cuộc chạy đua ngày càng leo thang. Cuộc chiến này dẫn đến những kịch bản phi lý như khi bà Katy Imhoff nhận được 15 bản lý lịch gần như giống hệt nhau với các tên khác nhau. Trong khi đó, các công ty như Alfa AI của Anh đang phát triển các đại lý tuyển dụng tiên tiến hơn, có thể làm việc “trong khi các nhà tuyển dụng khác đang ngủ”, xử lý mọi thứ từ đăng quảng cáo đến tiến hành phỏng vấn video AI bằng hơn 30 ngôn ngữ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.