Châu Á duy trì vai trò động lực chính của kinh tế toàn cầu

.

Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2025, các nhà lãnh đạo châu Á kêu gọi tăng cường hợp tác và đa phương hóa nhằm đối phó với chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu ngày càng gia tăng, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của khu vực trong tương lai kinh tế thế giới.

Một tàu chở hàng chuẩn bị cập cảng tại Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 22-3. Ảnh: VCG
Một tàu chở hàng chuẩn bị cập cảng tại Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 22-3. Ảnh: VCG

Giữa một thế giới ngày càng phân mảnh, thông điệp kêu gọi hợp tác được nhấn mạnh khi 2.000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ hội tụ tại Diễn đàn Bác Ngao 2025, sự kiện được ví như “Hội nghị Davos của châu Á” diễn ra tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) từ ngày 25 đến 28-3. Với chủ đề “Châu Á trong thế giới đang thay đổi: hướng tới tương lai chung”, hội nghị vừa thể hiện vị thế kinh tế ngày càng vững mạnh của châu Á, vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức to lớn đang hiện hữu và có thể gia tăng trong tương lai.

Sức mạnh kinh tế châu Á

Tân Hoa xã trích dẫn nhận định trong báo cáo mang tựa đề “Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Á” công bố tại diễn đàn nhấn mạnh: “Mặc dù kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, châu Á vẫn duy trì vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới”;  đồng thời dự báo GDP thực tế của châu Á sẽ tăng 4,5% trong năm 2025, nhích nhẹ so với năm 2024.

Một điểm đáng chú ý là tỷ trọng GDP của châu Á trong tổng GDP toàn cầu dự kiến tăng từ 48,1% năm 2024 lên 48,6% năm 2025. Nếu tính theo tỷ giá thị trường, tỷ lệ này sẽ tăng từ 36,1% lên 36,4% trong cùng kỳ. Báo cáo cũng ghi nhận chuyển biến tích cực trong thị trường lao động khu vực, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm xuống còn 4,39% trong năm 2025, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 4,96%.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực, với kim ngạch thương mại nội khối tăng khoảng 3% trong năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, thương mại điện tử và thương mại số đang nổi lên như những trụ cột tăng trưởng mới, đặc biệt tại Đông Nam Á. Giá trị hàng hóa thương mại điện tử trong khu vực ASEAN tăng 15% so với năm trước, phản ánh xu thế chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

Tại phiên họp ngày 25-3, ông Ban Ki Moon, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, hiện là Chủ tịch Diễn đàn Bác Ngao, nhấn mạnh sự kiện lần này với quy mô và mức độ tham gia cao, là “minh chứng mạnh mẽ cho tầm quan trọng của tự do thương mại và toàn cầu hóa”, theo trích dẫn từ Thời báo Hoàn cầu.

Ông Ban Ki Moon cũng lưu ý, dù thương mại toàn cầu chưa hoàn toàn tự do, nhưng nó đã đóng góp to lớn vào việc mở rộng nền kinh tế thế giới, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Theo ông, tương lai của thế giới sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa và bao trùm của các nền kinh tế, một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của tự do thương mại.

Đối mặt với thách thức toàn cầu

Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, vai trò ngày càng quan trọng của châu Á được đặc biệt nhấn mạnh tại diễn đàn năm nay. Trao đổi với Thời báo Hoàn cầu, ông Zhou Xiaochuan, Phó Chủ tịch diễn đàn và cựu Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, nhận định từ đầu năm nay, tình hình thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Các yếu tố chính trị, an ninh, kinh tế và công nghệ đan xen, tương tác lẫn nhau, tạo nên những thách thức mới cho trật tự quốc tế hiện nay.

Theo ông Zhou, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động sâu rộng, châu Á cần chủ động định hình tương lai của chính mình. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các quốc gia châu Á là đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng mô hình toàn cầu hóa bao trùm và công bằng hơn.

Phát biểu tại diễn đàn ngày 25-3, ông Lý Gia Siêu, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) gọi Bác Ngao là nền tảng quan trọng cho đối thoại và hợp tác trong khu vực. Thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ, khiến nhiều người cảm thấy bất an. Tuy nhiên, trong chính những thách thức đó cũng xuất hiện cơ hội khi châu Á ngày càng khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của toàn cầu.

Ở góc nhìn từ châu Âu, ông Gerry Grimstone, cựu Bộ trưởng phụ trách đầu tư của Vương quốc Anh, bày tỏ tin tưởng các quốc gia châu Á có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy tinh thần hợp tác đa phương. Nếu thế giới bước vào thời kỳ cạnh tranh thuần túy giữa các quốc gia, sẽ không có bên nào thực sự được lợi.

Trên Thời báo Hoàn cầu, ông Zhang Jun, Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao, khẳng định châu Á đang ở tuyến đầu trong nhiều lĩnh vực phát triển toàn cầu. Dù vẫn còn nhiều bất ổn phía trước, đặc biệt là nguy cơ áp thuế mới từ Mỹ, châu Á vẫn thể hiện khả năng thích nghi và phục hồi đáng kể.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.